Tuyển dụng, sử dụng giáo viên: “Điểm danh” những vấn đề nóng 

Theo Dân Việt 17:14, 15/04/2024

Bộ GDĐT cho biết, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. 

Bộ GDĐT cho rằng, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Tào Nga
Bộ GDĐT cho rằng, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Tào Nga

Tại Báo cáo "Đánh giá quy định pháp luật liên quan về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018", Bộ GDĐT cho hay, mặc dù, thời gian qua Bộ Chính trị đã bổ sung biên chế giáo viên cho các tỉnh còn thiếu, tuy nhiên công tác tuyển dụng còn gặp một số khó khăn như địa phương không có nguồn tuyển giáo viên, địa phương giữ lại số biên chế được giao bổ sung để tính vào số lượng biên chế tinh giản...

Cơ quan quản lý cấp địa phương còn hạn chế trong công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực không sát với sự phát triển quy mô trường, lớp học sinh, yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; bị động về nguồn tuyển dụng giáo viên, không thực hiện việc tuyển dụng đối với số biên chế còn thiếu trong chỉ tiêu biên chế được giao, chưa có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn nên công tác tuyển dụng chưa đảm bảo yêu cầu.

Bộ GDĐT cho rằng, việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GDĐT, phòng GDĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu.

Quy định "số lượng người ký kết hợp đồng lao động chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc được giao với số lượng theo định mức..." tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP chưa phù hợp, theo Bộ GDĐT là vì lý do sau đây: Thứ nhất, định mức và số lượng người làm việc theo quy định của Bộ GDĐT là số người làm việc cần phải có để đảm bảo đủ số lượng người triển khai các hoạt động dạy học, giáo dục và các công việc khác theo yêu cầu của chương trình giáo dục tương ứng với cấp học nhằm đảm bảo chất lượng công tác giáo dục đào tạo. Nếu không được cấp đủ 100% theo định mức thì có nghĩa là thiếu người để làm việc.

Thứ hai, việc quy định không quá 70% nếu tính theo đơn vị của tỉnh hoặc huyện thì có thể tính được, nhưng quy định theo từng CSGD công lập thì không khả thi và có thể vi phạm quy định "không quá 70%". Ví dụ, số lượng chênh lệch nếu chỉ là 1 người theo định mức quy định thì cơ sở giáo dục công lập không được ký hợp đồng lao động để đảm bảo có người làm việc.

Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung còn chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Bộ GDĐT dẫn chứng, chẳng hạn việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo; việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo.

Cũng theo Bộ GDĐT, hiện chưa có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo trẻ, đối tượng thuộc độ tuổi có thu nhập thấp và còn trong giai đoạn phải nuôi con nhỏ cần được hỗ trợ, đây cũng là độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những nhà giáo nghỉ việc trong thời gian qua.

Hiện tại có nhiều địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo trẻ, nhà giáo về công tác ở các vùng khó khăn, hoặc nhà giáo giỏi có trình độ cao về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, việc ban hành chính sách đặc thù đối với nhà giáo còn nhiều khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. Vì vậy, theo Bộ GDĐT, rất cần bổ sung quy định về việc khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo.

Mặc dù quy định về lương được áp dụng chung đối với tất cả viên chức các ngành/lĩnh vực nhưng điều này dẫn đến những bất cập trong việc không thể hiện được mức độ phức tạp của từng ngành, nghề khác nhau.

Chênh lệch về hệ số lương giữa bảng lương của viên chức chưa có sự tương đồng, có bảng lương chênh lệch giữa hệ số lương khởi điểm của bảng quá ít, hoặc có bảng lương chênh giữa hệ số lương khởi điểm có khoảng cách khá xa. Chẳng hạn loại B (2,10) với A1 (2,34) và giữa A2.2 (4,0) với A2.1 (4,4) có chênh lệch hệ số lương khởi điểm rất ít. Nên khi giáo viên được thăng hạng không được hưởng lợi về lương, không nhận thấy được hưởng chế độ cao hơn khi đạt năng lực, trình độ cao hơn...



Tin đăng việc làm hà nội tại Vieclam24hCách tìm công ty tuyển dụng việc làm Trang web làm cv online miễn phíHọc từ vựng ielts theo chủ de