Điểm trường Chòi Hồng (xã Tràng Xá, Võ Nhai). |
Chỉ khoảng 15 phút xuất phát từ trung tâm xã, chúng tôi đã có mặt ở Điểm trường Chòi Hồng. Những dãy nhà cấp 4 được xây dựng khang trang, có sân bê tông rộng rãi, bằng phẳng cho học sinh tập thể dục và vui chơi. Lúc chúng tôi đến, cô và trò đang tập thể dục theo tiếng nhạc phát ra từ dàn âm thanh loa đài hiện đại. Nhìn học sinh tươi vui, ăn mặc khá chỉn chu, sạch sẽ, lòng tôi cũng rộn ràng, phấn chấn.
Bất giác, những kỷ niệm một thời chợt ùa về, đó là những năm tháng chúng tôi tới tác nghiệp ở những điểm trường của huyện Võ Nhai, chứng kiến cảnh cô và trò phải dạy và học tập trong nhưng gian nhà tranh, tre, lứa lá xiêu vẹo, hoặc được ghép tuềnh toàng bằng những miếng ván gỗ, gió hun hút thổi vào, mùa Đông thì lạnh thấu xương; mùa Hè thì ngột ngạt, nóng bức. Nhất là những hôm trời mưa lớn, cô và trò phải ngồi tụm lại với nhau tránh nước mưa hắt vào người. Trò vẫn vô tư cười nói, nhưng nước mắt cô thì lại âm thầm rơi vì tủi thân, vì thương trò run cầm cập trong gió rét…
Một lớp học có hơn 10 học sinh nhưng các trò phải ngồi quay lưng lại nhau, bởi có tới 2-3 chương trình trong một lớp, học sinh lớp một thì đánh vần A, B, C…; học sinh lớp 2, 3 lại tập làm toán, học bảng cửu chương… Vậy mà lớp lớp "măng non" đã được các thầy cô dạy dỗ, vươn lên trong gian khó, ít nhất là xóa được mù chữ, còn học tốt hơn là hết cấp 2, cấp 3...
Cô Trần Thị Bích Hằng, giáo viên phụ trách Điểm trường Chòi Hồng, cho biết: Những năm gần đây, 100% trẻ em trong độ tuổi ở Chòi Hồng đều được đến trường. Trường có 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) với tổng số hơn 60 học sinh. Để vận động được các em đến trường học đúng độ tuổi không đơn giản, vì Chòi Hồng có 100% hộ là người dân tộc Mông. Một số gia đình ở sâu trong rừng, núi, cách Điểm trường 3-4km, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên cha mẹ không mặn mà cho con em mình đi học. Chúng tôi phải phân công nhau đến tận nhà để tuyên truyền, vận động giúp các phụ huynh hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc cho trẻ đi học đúng độ tuổi. Điều kiện trường lớp, trang thiết bị được đầu tư tương đối hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới đã giúp việc học tập của học sinh đạt kết quả tốt. 100% học sinh lên lớp, các tiêu chí về thể chất, rèn luyện đều đạt yêu cầu đề ra. Các giáo viên cũng không phải ngủ lại Điểm trường như trước, mà đều về nhà trong ngày.
Sự học chưa bao giờ là dễ dàng, nói gì đến sự học nơi vùng cao xa xôi, nhưng nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như sự chung tay hỗ trợ của các mạnh thường quân, việc đầu tư cho giáo dục đã có những bước tiến đáng kể, trong đó có giáo dục ở vùng cao Võ Nhai.
Toàn huyện có 60 trường ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS), thì ở cấp mầm non có 40 điểm trường; tiểu học có 37 điểm trường và cấp THCS có 2 điểm trường. Đường đến các điểm trường đã được đổ bê tông gần đạt 100% số tuyến; không còn nhà lớp học bằng tranh, tre, lứa lá xiêu vẹo; học sinh được học tập và sinh hoạt trong điều kiện vật chất, thiết bị dậy và học tương đối đầy đủ.
Cô giáo Trần Thị Dậu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sảng Mộc, cho biết: Điểm trường Khuổi Chao là nơi xa xôi nhất xã cũng đã được xây dựng nhà lớp học 2 tầng khang trang, thoáng rộng. Năm trước, chúng tôi được các đơn vị công an Cụm phía Bắc hỗ trợ hơn 500 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ trợ, nhà đa năng. Điểm trường có 5 lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) với tổng số 65 học sinh, trong đó 52 em ăn bán trú. Các em được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn 900 nghìn đồng/học sinh/tháng. Đường sá giờ thuận tiện nên thầy cô đi lại cũng đỡ vất vả.
Cô và trò Điểm trường Lũng Hoài (xã Thượng Nung, Võ Nhai). |
Còn với Điểm trường Lũng Hoài (Thượng Nung) tuy chưa được đầu tư xây dựng, nhưng những nhà lớp học được ghép bằng ván gỗ khá chắc chắn, mái lợp bằng tôn cũng đáp ứng nhu cầu dạy và học. Điểm trường có 50 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. 100% học sinh là người dân tộc Mông, đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều em từ nhà đến trường xa, do vậy, buổi trưa phần lớn các em ở tại Điểm trường ăn bán trú.
Vừa qua, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sữa chữa cơ sở vật chất cho Điểm trường, như nhà nội trú, bếp nấu ăn, đổ sân bê tông, xây dựng cổng và nhà để xe...
Cô Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Nung, cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi khi được các đơn vị quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp Điểm trường, để thầy và trò được học tập, rèn luyện trong điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Những nghĩa cử cao đẹp này sẽ góp phần thắp sáng lương lai cho trẻ em ở Lũng Hoài.
Đúng như lời cô Hoa nói, trong những năm gần đây, sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, những tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm dành cho giáo dục vùng cao đã không chỉ góp phần thắp sáng tương lai cho trẻ em ở Lũng Hoài hay Khuổi Chao, mà ở tất cả các trường học trên địa bàn vùng cao Võ Nhai. Dẫu biết rằng trong hành trình bám lớp, bám trường, “gieo” con chữ, thầy và trò nơi vùng cao chưa hẳn đã hết khó khăn, song lòng yêu nghề, mến trẻ sẽ là động lực giúp các thầy, cô giáo vượt lên hoàn cảnh, góp phần thắp sáng tương lai cho các em học sinh thân yêu.
Hiện nay, 100% trường học ở Võ Nhai có đủ phòng học kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo 1 phòng học/1 lớp, có đủ bàn ghế, ánh sáng phục vụ học tập. Toàn huyện hiện có 50/60 trường đạt chuẩn Quốc gia. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (trong đó mức độ 3 là 14 xã, 1 xã đạt mức độ 2). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin