Thí sinh thể hiện thái độ “chê” đối với các trường ĐH không đảm bảo chất lượng đào tạo và tự tin lựa chọn cho mình con đường phù hợp…
Thời hạn cuối cùng để tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) kết thúc vào 10/10, nhưng cho đến nay nhiều trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập vẫn chật vật với công tác tuyển sinh vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Mới đây, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có kiến nghị gửi lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT xin cho “kéo dài thời gian tuyển sinh cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu đến hết tháng 12/2011”.
Năm nay, thời gian tuyển sinh ĐH, CĐ được kéo thêm 10 ngày cho hai đợt xét tuyển NV2, NV3. Đưa ra qui định mới này, theo Bộ GD&ĐT, là để cho thí sinh có thêm thời gian, thêm cơ hội lựa chọn và cũng là để các nhà trường có điều kiện tuyển chọn “đầu vào” tốt hơn. Nhưng, sự kéo dài thời gian này, trên thực tế, chẳng mấy hiệu quả, vì thực chất nó chỉ kéo dài thêm thời gian dùng dằng của thí sinh và sự chờ đợi của các nhà trường, kéo tiến độ bước vào năm học mới chậm lại mà thôi.
Trong khi các trường tốp trên đã ung dung bước vào năm học mới cả tháng trời, thì nay nhiều trường ĐH, CĐ, mà chủ yếu là các trường ngoài công lập và một số ĐH vùng, ĐH địa phương vẫn loay hoay với công tác xét tuyển. Ngay như ở ĐH Huế, trong số gần 2000 chỉ tiêu tuyển sinh NV3, nhà trường chỉ tuyển được chưa đầy 1/3. Hay như ở ĐH Thái Nguyên, gồm 7 trường ĐH Thành viên, 1 trường CĐ và 2 khoa trực thuộc, dù đã kiên nhẫn chờ đợi thí sinh xét tuyển NV2, NV3, nhưng đến thời điểm này, đành chấp nhận tuyển thiếu khoảng 1000 chỉ tiêu…
Vì khó, nên “ló” cái khôn. Để tận tuyển thí sinh, các trường đã phải “chiều” theo sở thích nhất thời của người học, khiến cho qui mô sinh viên các khối ngành dịch vụ, kinh tế, ngân hàng, tài chính phình to ra, còn khối cách ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản, xã hội nhân văn, sư phạm thì ngày càng teo tóp, tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Vì tuyển được quá ít sinh viên, các trường ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp, ĐH Nha Trang, ĐH Huế và nhiều trường khác buộc phải ngừng đào tạo một số ngành trong năm học này.
Lý giải về tình trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh năm nay, cũng có người đổ lỗi cho việc đưa ra “điểm sàn” ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT không sát với trình độ thật của thí sinh và các khu vực tuyển sinh. Nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, thì nguyên nhân chính vẫn là do việc mở trường đại học, nâng cấp các trường, từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học một cách ồ ạt, tràn lan cũng như việc cho phép mở ngành đào tạo một cách quá dễ dãi, kéo theo chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhanh.
Còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ dành cho một số ít học sinh tốt nghiệp THPT (khoảng 20%), nên các trường có nguồn tuyển khá dồi dào. Ngày ấy, phân tích về rào cản và những hạn chế lớn nhất của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định: GD đại học của chúng ta không có cạnh tranh, vì cầu nhiều- mà cung ít, chất lượng đào tạo như thế nào cũng được chấp nhận tất, cho nên không có động lực phát triển.
Còn bây giờ, tình thế đã khác. Chỉ tiêu tuyển mới hệ chính qui ở hơn 414 trường ĐH, CĐ trong cả nước là hơn 540.000, trong khi đó chúng ta chỉ có chưa đầy 1 triệu thí sinh tốt nghiệp THPT. Đó là chưa kể, có nhiều mô hình đào tạo ĐH liên kết quốc tế được mở ra, “đầu vào” không phải thi tuyển…
Cũng theo nhiều chuyên gia GD, tình trạng khó khăn hay hiện tượng “ế ẩm” trong công tác tuyển sinh ở một số ngành, một số trường, là hệ quả tất yếu của hệ thống GD nghề nghiệp thiếu thống nhất và cách làm giáo dục đại học còn nặng về chạy theo số lượng như hiện nay.
Thêm vào đó, là tác dụng của giải pháp “ba chung” sau 10 năm vận hành, cũng góp phần xác lập mặt bằng, vị trí của các trường, giúp XH và các gia đình nhận diện rõ hơn sự hay- dở về chất lượng đào tạo của mỗi nhà trường, chứ không mơ hồ, đánh đồng tất cả các trường mang danh đại học. Nhiều người học đã tỉnh táo hơn khi lựa chọn ngành, và “đại học” không còn là sự lựa chọn duy nhất để vào đời.