Những thay đổi trong tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012: Thí sinh mừng, nhà trường lo

16:11, 05/12/2011

Tuần qua, thu hút sự quan tâm của thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ là sự kiện Bộ GD-ĐT công bố một số thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2012. Đáng chú ý nhất là việc bổ sung khối thi và phục hồi tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia. Những thay đổi này đem lại niềm vui và cả nỗi băn khoăn cho nhiều người.

Góp phần đào tạo nhân tài?

 

Việc bãi bỏ chế độ ưu tiên tuyển thẳng với học sinh (HS) giỏi quốc gia đã được thực hiện cách đây vài năm. Nhiều chuyên gia nêu ra lý do: Cơ chế này khiến các trường chỉ tập trung "luyện gà nòi" để tham gia các kỳ thi chọn HS giỏi thay vì chú trọng phát triển toàn diện. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng ủng hộ chủ trương này khi phát biểu tại một hội nghị về trường chuyên: "Không nên coi việc đạt học sinh giỏi là "chứng chỉ vào đời". Quan trọng là các em học để sau này biết làm gì, biết yêu gì và sống như thế nào. Trường chuyên là nơi để đào tạo nhân tài chứ không phải để đào tạo năng khiếu". Bên cạnh đó, việc phát triển các lớp chuyên, lớp chọn còn tạo nên sự thiếu công bằng trong trường phổ thông, khi một nhóm HS được tập trung "chăm sóc" với đội ngũ giáo viên giỏi và điều kiện học tập tốt hơn. Điều này kéo theo hệ quả tiêu cực là nạn "chạy" vào trường chuyên, lớp chọn để có cơ hội tốt hơn trong tương lai, mà vụ gần đây nhất là HS không đủ điểm trúng tuyển vẫn được vào học Trường THPT chuyên Thái Bình bằng "suất ngoại giao".

 
 

Tuy nhiên, việc bỏ quy định tuyển thẳng được cho là đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Bằng chứng một số chuyên gia đưa ra là chất lượng các kỳ thi chọn HS giỏi cũng như các kỳ thi Olympic quốc tế trong những năm gần đây giảm sút rõ rệt. Nếu như ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2007, đoàn Việt Nam đứng thứ 3, thì năm 2008 đứng thứ 12, rồi thứ 15 vào năm 2009. Tới năm 2011, đoàn Việt Nam có kết quả thấp "kỷ lục": xếp hạng 31 trong tổng số 101 đội thi.

 

Việc bỏ hình thức tuyển thẳng, theo TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường PT Chuyên KHTN, đã khiến cho HS rất thiệt thòi và không còn động lực tham gia đội tuyển quốc gia. Lý do dễ hiểu, bởi các em vừa phải ôn luyện với cường độ cao để thi ĐH, vừa phải căng sức cho đội tuyển. Trong khi đó, những HS đoạt giải trong các kỳ thi tỉnh, thành phố đều xuất sắc, hoàn toàn xứng đáng được vào thẳng ĐH.

 

Có nhiều lý do để giải thích cho việc Bộ GD-ĐT trở lại với quy định ưu tiên cũ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, một trong số đó là có ý muốn giúp HS yên tâm tham gia đội tuyển. Thêm nữa, như GS - TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiết lộ thì, mặc dù mấy năm qua không có chế độ ưu tiên nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện để tất cả HS giỏi quốc gia đều được nhận vào trường.

 

Song, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn: Vậy những bất cập, mà vì đó, việc tuyển thẳng từng bị bãi bỏ, đang được giải quyết ra sao? Chính sách này giúp HS có năng khiếu có điều kiện phát triển tài năng, song những em đạt giải cao không có nghĩa là sẽ trở thành những nhà khoa học xuất sắc. Việc có nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi liệu có mang lại lợi ích gì nhiều hơn việc "nâng cao thành tích" trong khi nước ta vẫn đứng ở nhóm những nước có nền khoa học kém phát triển, kể cả ở những ngành có thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic?

 

Linh hoạt nhưng chưa hết "bí"

 

Một tin vui khác là Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu bổ sung một số khối thi để đáp ứng tốt hơn năng lực kiểm tra đầu vào của các ngành đào tạo. Điều này không chỉ tăng cơ hội đăng ký dự thi của HS mà còn tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH 2011, nhiều trường cho rằng việc chỉ có 4 khối thi A, B, C, D không còn phù hợp, nhất là với những ngành mới mở, ngành khó tuyển và đặc biệt là các ngành năng khiếu. Khối ngành kinh tế tuyển sinh khối A trong khi trên thực tế, chuyên gia tuyển sinh nhiều trường đào tạo kinh tế cho rằng, môn Hóa nên được thay thế bằng môn Ngoại ngữ thì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của ngành đào tạo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ đã nhận được đề nghị từ Bộ Thông tin - Truyền thông về việc cho phép ngành CNTT thi 3 môn Toán, Lý, Ngoại ngữ.

 

Trước lo ngại về việc thay đổi khối thi có thể ảnh hưởng đến người dự thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, việc tiến hành thi theo khối thi mới này là không bắt buộc. Hình thức thi vẫn là "3 chung", việc thay đổi các môn thi bắt buộc sẽ chỉ được áp dụng sau 3 năm kể từ khi thông báo để không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Trước mắt, thí sinh vừa có thể thi theo khối thi truyền thống, vừa có thêm cơ hội đăng ký thi theo khối thi mới. Sau khi việc mở rộng khối thi được quyết định, Bộ sẽ yêu cầu các trường công khai yêu cầu tuyển sinh bao gồm ngành đào tạo, khối thi, chỉ tiêu. Theo đó, có thể cùng một ngành, tuyển sinh cả khối thi truyền thống lẫn khối thi mới.

 

Cùng với quyết định nói trên, Bộ GD-ĐT cũng "mở đường" cho các trường trong việc tự chủ tuyển sinh trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định. Các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật có thể chủ động đề xuất phương án tuyển sinh với yêu cầu chung là: không để tái diễn luyện thi, tổ chức tuyển sinh nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, kết thúc kỳ tuyển sinh năm 2010, vẫn chưa có trường nào trình phương án tuyển sinh riêng lên Bộ GD-ĐT.

 

Khi được hỏi về vấn đề này, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Mặc dù đã xây dựng phương án tuyển sinh mới, trong đó có sự kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển nhằm đáp ứng đặc thù tuyển sinh của các trường thành viên, song ĐH Quốc gia Hà Nội chưa đưa vào triển khai. Lý do là nhà trường lo ngại các thí sinh có thể sẽ bị thiệt nếu việc đổi mới phương thức thi không được tiến hành đồng bộ và khi kết quả thi ở ĐH Quốc gia Hà Nội có thể không được công nhận ở các trường vẫn thi theo hình thức cũ.