Ngay sau khi kết thúc đợt thi ĐH thứ 2, các trường đã khẩn trương bắt tay vào việc chấm thi để có thể công bố điểm thi trong tháng 7. Ghi nhận từ nhiều trường cho thấy một số quy định mới có thể ảnh hưởng tới điểm chuẩn của các trường.
Đề hay, chấm khó
Kết thúc đợt thi thứ 2, đề thi các môn nhìn chung được đánh giá là bám sát chương trình học, và khá hay, đặc biệt là đề thi các môn xã hội như văn, sử, địa được cho là kích thích tư duy sáng tạo của thí sinh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn, liệu đề thi mở thì cách chấm thi có "mở" hay không. Giải tỏa băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, với định hướng của việc ra đề theo hướng suy luận, khuyến khích ứng dụng thực tiễn thay vì phải học thuộc lòng, các đáp án cũng sẽ được đưa ra theo hướng mở. Thí sinh có thể đưa ra nhiều hướng trả lời, việc chấm không phải chỉ có duy nhất một đáp án mà dựa trên nguyên tắc: Thí sinh có câu nào, ý nào khác với đáp án nhưng đúng thì vẫn được cho điểm tối đa.
Trước ý kiến cho rằng liệu có bảo đảm được công bằng cho thí sinh khi người chấm bài ở các trình độ và quan điểm khác nhau, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định thí sinh có thể yên tâm bởi Bộ đã yêu cầu cán bộ chấm thi phải theo đúng thang điểm và đáp án chính thức đã được trưởng ban đề thi của Bộ phê duyệt. Với quy định chấm thi hai vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt, bài thi của thí sinh sẽ được chấm ít nhất 2 lần với 2 giám khảo khác nhau. Nếu kết quả các môn xã hội chênh lệch 1-1,5 điểm thì trưởng môn chấm sẽ là người thống nhất kết quả. Nếu kết quả chênh lệch tới 1,5 điểm thì bài thi sẽ được chấm lần thứ 3. Quy chế thi cũng quy định những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng ban chấm thi quyết định.
Liên hệ giữa đề thi và điểm thi của thí sinh, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, đề thi được thực hiện để có tính phân loại cao, rải đều từ dễ đến khó. Đa số thí sinh trung bình có thể làm được bài và phổ điểm tập trung ở khoảng 4-6 điểm. Những thí sinh khá - giỏi được 7-8 điểm. Học sinh giỏi quốc gia hay đoạt giải Olympic quốc tế có thể được điểm 10. Điều này giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp với mức độ đào tạo của mình. Với phổ điểm "đẹp" như vậy, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng điểm sàn sẽ không thấp hơn năm 2011.
Điểm chuẩn một số trường có thể thay đổi
Theo lịch, trước ngày 10-8 các trường phải hoàn thành và công bố điểm thi. Ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối, nhiều trường đã bắt tay vào công tác chấm thi. Phần lớn các trường không dạy và không có giáo viên dạy các môn cơ bản đều gửi chấm bài thi tự luận ở một số trường khác như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội... Một chuyên gia tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, thường thì sau khi chấm cho các trường bạn xong xuôi, nhà trường mới chấm cho thí sinh của mình. Các bài thi trắc nghiệm thường được gửi tới Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT hoặc các trường có máy chấm thi trắc nghiệm để chấm. Cũng vì không chủ động được việc chấm thi nên thời gian công bố điểm thi khó có thể dự kiến trước, tuy nhiên, hầu hết các trường đều cho biết sẽ hoàn thành trong tháng 7.
Dự kiến điểm chuẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh cho biết: Năm nay Bộ đã khôi phục lại quy định tuyển thẳng đối với những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nên số đăng ký vào các nhóm ngành xã hội đã tăng đáng kể. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đầu vào của trường mà còn khiến yếu tố cạnh tranh trong kỳ thi ĐH tăng lên. Bà Nguyễn Thị Tĩnh tin là điểm chuẩn năm nay của nhiều ngành sẽ cao hơn năm 2011.
Việc thay đổi khối thi cũng là lý do dẫn đến thay đổi điểm đầu vào của các trường. Bà Đoàn Phương Dung, đại diện Hội đồng tuyển sinh Học viện Ngoại giao, dự đoán điểm chuẩn cũng như chất lượng đầu vào năm nay của trường sẽ cao hơn các năm trước bởi số thí sinh đăng ký dự thi tăng gần gấp đôi so với năm 2011, trong khi chỉ tiêu không thay đổi. Có sự đột biến này là bởi năm nay trường có thêm khối thi A1 cho ngành quan hệ quốc tế. Ngoài ra, có một số ngành tuyển thêm khối A như quan hệ quốc tế, truyền thông quốc tế. Trong tổng số hơn 4.800 hồ sơ đăng ký vào học viện, riêng khối A1 đã có 1.382 hồ sơ, khối A là 1.086 hồ sơ. Theo ông Vũ Quang Thọ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn, năm nay có thêm thí sinh khối thi A1 nên điểm chuẩn chung của khối A có thể tăng hơn chút ít. Tuy nhiên, một số ngành lại giảm đáng kể về số thí sinh. Ví như ngành xã hội học, những năm trước có tới 4.000 thí sinh đăng ký và có điểm chuẩn khá cao (17-18 điểm) nhưng năm nay chỉ có 300 thí sinh, vì vậy dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ giảm.
Quy định mới cho phép thí sinh được nộp giấy chứng nhận kết quả thi photocopy, được rút hồ sơ theo nguyện vọng, điều đó cũng có thể ảnh hưởng tới điểm chuẩn, tạo thêm cơ hội trúng tuyển nhưng cũng làm tăng số thí sinh ảo. Để tránh tình trạng này, nhiều trường sẽ lấy điểm chuẩn thấp xuống để có thể lấy đủ chỉ tiêu ngay từ đầu.