Hồ sơ thi đại học giảm, nhóm ngành kinh tế vẫn “nóng”

09:13, 08/05/2014

Thống kê từ các sở giáo dục và đào tạo cho thấy, năm nay, lượng hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng của thí sinh giảm đáng kể so với năm 2013. Sự sụt giảm này trải đều ở các nhóm ngành, trong đó khối ngành kinh tế vẫn thu hút được nhiều thí sinh nhất.

Thí sinh đã cân nhắc hơn

 

Ông Tạ Nhật Tân, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình cho biết, toàn tỉnh năm nay có 35.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng giảm 8.000 bộ so với năm ngoái. Năm 2013, con số này là trên 43.000 bộ.

 

“Mọi năm, trung bình mỗi thí sinh nộp 2 đến 3 bộ, nhưng năm nay mỗi em chỉ nộp từ một đến hai hồ sơ,” ông Tân cho biết. Cũng theo ông Tân, nguyên nhân của việc hồ sơ giảm là do thí sinh đã biết cân nhắc hơn trong việc chọn trường, chọn nghề.

 

“Thông tin về việc hàng nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đã phần nào tác động đến sự lựa chọn của các em. Nhiều học sinh đã tự xác định năng lực của mình để chọn các trường trung cấp thay vì học đại học,” ông Tân chia sẻ thêm.

 

Là người trực tiếp phụ trách thu hồ sơ từ các phòng giáo dục, bà Lê Hoàng Mai, chuyên viên Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp cho biết, lượng hồ sơ giảm mạnh hơn ở bậc cao đẳng. “Nhiều trường cao đẳng chỉ có vài ba hồ sơ, trường nào nhiều thì có trên 100 hồ sơ. Tổng số hồ sơ vào cao đẳng của học sinh toàn tỉnh Thái Bình là 3.688 bộ, chỉ tương đương với số hồ sơ đăng ký vào một trường đại học,” bà Mai cho biết.

 

Tại Hà Nội và Thanh Hóa, hai địa phương luôn có lượng hồ sơ dự thi đại học lớn nhất cả nước, số hồ sơ giảm còn nhiều hơn. Tỉnh Thanh Hóa có gần 49.000 bộ hồ sơ, giảm khoảng 14.000 bộ so với năm 2013. Tại Hà Nội, số hồ sơ từ các trường trung học phổ thông thu được là 152.000 bộ, giảm 13.000 bộ so với năm ngoái.

 

Số lượng hồ sơ giảm cũng là thông tin từ Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Thịnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh. Theo ông Thịnh, số hồ sơ của Bắc Ninh giảm khoảng 2.000 bộ. Còn tại Lai Châu, theo Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp Hoàng Xuân Thạnh, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2.000 hồ sơ trên tổng số 2.636 học sinh.

  

Ngành kinh tế vẫn “hút” thí sinh

 

Trong vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tuyên truyền cho thí sinh về sự bão hòa nhân lực của khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Năm 2013, Bộ đã quyết định dừng mở trường, mở ngành mới liên quan tới nhóm ngành này. Theo lãnh đạo Bộ, việc này vừa góp phần thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực, vừa để cảnh báo cho thí sinh. Cũng trong năm này, Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính-ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.

 

Tuy nhiên, thông tin từ các sở giáo dục và đào tạo cho thấy, năm nay, dù lượng hồ sơ giảm nhưng số thí sinh tập trung vào khối ngành kinh tế vẫn lớn nhất.

 

“Lượng hồ sơ dự thi vào khối ngành kinh tế vẫn dẫn đầu bảng,” bà Lê Hoàng Mai, chuyên viên Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, cho biết. Cụ thể, hai trường thu hút thí sinh Thái Bình nhiều nhất là Đại học Công nghiệp Hà Nội với trên 3.000 hồ sơ, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp với 2.500 hồ sơ. Trường Học viện Tài chính có trên 1.200 thí sinh đăng ký dự thi.

 

Tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng là những trường thu hút thí sinh nhiều nhất với hơn 8.000 bộ cho mỗi trường. Các trường Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, mỗi trường có gần 5.000 hồ sơ dự thi, đều thuộc nhóm trường có số lượng hồ sơ lớn của Hà Nội.

 

Các trường khối kinh tế cũng thu hút lượng lớn thí sinh của Thanh Hóa. Theo Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Thái Văn Long, nếu năm 2013, trường Học viện Tài chính xếp thứ 26 về số lượng hồ sơ dự thi của tỉnh thì năm nay, với gần 1.600 hồ sơ, trường này đã đứng vị trí thứ 5 trong số các trường có nhiều thí sinh đăng ký nhất. Các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại cũng có gần 1.100 hồ sơ mỗi trường, xếp vị trí thứ 8.

 

Lý giải cho sự lựa chọn này của thí sinh, lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cho rằng, một mặt do thí sinh vẫn chọn ngành theo xu hướng chung, mặt khác, khối ngành kinh tế có rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo, cơ hội đầu vào rộng mở. Bên cạnh đó, trên thực tế, không chỉ kinh tế mà nhiều ngành khác hiện sinh viên ra trường xin việc cũng rất khó khăn.

 

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 9/5 tới đây, các sở giáo dục và đào tạo sẽ bàn giao hồ sơ cho các trường đại học, cao đẳng. /.