Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 có rất nhiều điểm mới. Để độc giả hiểu rõ hơn về những điểm mới trong kỳ thi này cũng như công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đánh giá thực chất chất lượng dạy và học trong suốt 12 năm phổ thông, PV Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Đức Cường, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD & ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo và kiểm tra các kỳ thi của tỉnh…
PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014?
Đ/c Bùi Đức Cường: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29-NQ/TW), Bộ GD&ĐT đã chọn đổi mới công tác thi cử là một khâu đột phá để từ đó thay đổi cách dạy và học, giảm áp lực cho học sinh, giảm sự tốn kém cho xã hội. Qua việc đổi mới công tác thi và xét tốt nghiệp lần này, cũng nhằm phân hóa rõ năng lực của học sinh, giúp các em cũng như các bậc phụ huynh có định hướng đúng đắn hơn trong chọn ngành nghề để học phù hợp với năng lực của mình. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với một số đổi mới cơ bản như: Giảm số môn thi, cho thí sinh (TS) tự chọn môn thi và phối hợp sử dụng kết quả thi, kết quả đánh giá quá trình học tập để xét công nhận tốt nghiệp cho TS. Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 2 đến 4-6. Thay vì thi 6 môn như mọi năm, năm nay TS dự thi tốt nghiệp THPT chỉ phải thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Như vậy, kỳ thi sẽ có tổng cộng 8 môn thi. Trong đó đề thi môn Ngữ văn gồm hai phần: đọc hiểu và làm văn; đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần viết và trắc nghiệm. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi Toán, Ngữ văn là 120 phút; Lịch sử và Địa lý 90 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ là 60 phút.
PV: Các năm trước đây, điểm thi tốt nghiệp sẽ quyết định toàn bộ việc TS đó có tốt nghiệp hay không. Tuy nhiên, từ năm nay, điểm thi chỉ chiểm 50% vai trò xét tốt nghiệp, xin đồng chí nói rõ hơn về điểm mới này?
Đ/c Bùi Đức Cường: Cách tính điểm xét tốt nghiệp năm 2014 cũng được quy định mới.Theo đó, điểm xét tốt nghiệp được tính bằng tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia 4, cộng điểm trung bình cả năm lớp 12, tất cả chia 2. Điểm xếp loại tốt nghiệp được tính bằng điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2. Thay vì chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%). Kết quả học tập năm lớp 12 của học sinh được đưa vào phần mềm dữ liệu thi trước khi kỳ thi diễn ra. Đi liền với những đổi mới này, việc quy định điểm liệt là 1,0 điểm thay cho 0 điểm như trước đây là giải pháp nhằm nâng cao chuẩn điều kiện công nhận tốt nghiệp, nâng cao chất lượng của kỳ thi. Từ những quy định mới nêu trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đánh giá đúng thực chất, khách quan kết quả học tập cuối kỳ và cả năm học của học sinh khối 12, quản lý chặt chẽ sổ điểm, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như: mất sổ điểm hoặc học sinh lợi dụng sửa điểm.
PV: Theo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD & ĐT đối với TS hệ Giáo dục Thường xuyên (GDTX) năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp được phép bảo lưu điểm thi. Với phương thức thi 4 môn năm nay thì có khả năng có những TS bảo lưu 4/6 môn thi của năm trước có thể đã đỗ tốt nghiệp mà không cần phải dự thi?
Đ/c Bùi Đức Cường: Điều 33 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định bảo lưu điểm thi cho TS dự thi tốt nghiệp GDTX như sau: TS dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó. Các TS có điểm bảo lưu theo quy định được dự thi một trong hai cách: Thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi hoặc chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu. Thực hiện quy định này, với việc giảm số môn thi từ 6 môn trước đây xuống còn 4 môn, sẽ có trường hợp TS dự thi GDTX năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp, đăng ký dự thi năm 2014 gồm 4 môn được bảo lưu điểm thi. Có thể sẽ có TS đỗ tốt nghiệp mà không cần phải dự thi. Nhưng cần phải lưu ý rằng, với quy định mới về việc xét công nhận tốt nghiệp thì tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp.
PV: Được biết, Bộ GD & ĐT quy định không tổ chức hội đồng coi thi (HĐCT) riêng cho hệ giáo dục thường xuyên mà ghép GDTX với giáo dục THPT trong cùng một hội đồng, có phòng thi riêng cho GDTX, vậy đồng chí có thể cho biết việc ghép như vậy mang lại lợi ích gì?
Đ/c Bùi Đức Cường: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các địa phương không tổ chức HĐCT riêng mà ghép GDTX với giáo dục THPT trong cùng một HĐCT nhưng có phòng thi riêng. Đây được coi là biện pháp đảm bảo chất lượng đối với hệ GDTX khi mà việc tổ chức thành HĐCT riêng các năm trước đây đã nảy sinh nhiều bất cập. Đối với tỉnh Thái Nguyên, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có 13.065 TS đăng ký dự thi, trong đó hệ THPT 11.544 thí sinh; hệ bổ túc GDTX là 1.521 TS. Sở GD & ĐT đã quyết định thành lập 32 HĐCT, trong đó có 16 HĐCT ghép hệ THPT và GDTX.
PV: Với nhiều điểm mới như trên, Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường định hướng cho học sinh chọn môn thi tự chọn cũng như tổ chức ôn tập cho HS khối 12 như thế nào, đặc biệt là việc phổ biến quy chế thi để các TS chấp hành nghiêm túc?
Đ/c Bùi Đức Cường: Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố 4 môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2013–2014, Sở GD & ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp. Đồng thời định hướng cho các em chọn 2 môn thi tự chọn đúng với khả năng, học lực của bản thân. Chúng tôi yêu cầu các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, có các giải pháp thiết thực trong việc tổ chức ôn tập với nội dung, thời gian, phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện của nhà trường và khả năng nhận thức của từng nhóm đối tượng và mục tiêu đã đề ra; tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng bộ môn (chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12). Tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, các chương khác nhau; ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình; khái quát nội dung của các chủ đề đã được ôn tập; rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm và tự luận. Phổ biến kỹ Quy chế thi đến các cán bộ, giáo viên, học sinh, nhất là những điểm mới trong kỳ thi năm nay để các em biết quyền lợi, trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!