Kỳ tuyển sinh đại học 2014, không khí chuẩn bị cho kỳ thi bắt đầu “vào vụ”, tuy nhiên sức “nóng” về số lượng thi sinh tham gia dự thi đã không còn căng thẳng như mọi năm.
Theo số liệu thống kê của Đại học Thái Nguyên, đến nay chỉ có gần 41.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển (thi tuyển và xét tuyển), giảm hơn 10 nghìn hồ sơ so với cùng kỳ năm 2013, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 11.185. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, số hồ sơ của thí sinh tại tỉnh đăng ký dự thi vào các trường của Đại học Thái Nguyên cũng giảm gần 4.000 bộ so với năm 2013.
Có một số ngành mà thí sinh Thái Nguyên đăng ký thi tuyển rất ít như khối ngoại ngữ tiếng Đức, chỉ có duy nhất một hồ sơ, tiếng Pháp - Trung có 32 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển tiếng Pháp là 35, tiếng Trung là 180. Tương tự, một số ngành học của Đại học Thái Nguyên cũng rơi vào tình trạng khan nguồn tuyển sinh, như: Ngành Kỹ thuật vật liệu (Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp) chỉ có 8 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi cần tuyển 70 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Lịch sử có 198 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển 120, ngành này năm 2013 có 417 hồ sơ đăng ký dự thi/120 chỉ tiêu tuyển sinh).
Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn tuyển sinh năm nay giảm, như các trường đại học thực hiện cơ chế tuyển sinh riêng, một số ngành không thi tuyển đầu vào mà chỉ xét tuyển. Cũng có những lý do khiến thí sinh không đặc biệt quan tâm đến thi vào đại học như những năm trước đây vì vấn đề tìm việc làm khó khăn, trong khi thị trường lao động tại các khu công nghiệp chỉ cần trình độ tốt nghiệp THPT. Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Dương Quang Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: Hằng năm các nhà tuyển dụng lao động đến tận trường quảng cáo, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng, học sinh vùng nông thôn thấy vậy sẽ xiêu lòng và ít quan tâm đến thi đại học.
Thí sinh giảm, nhiều phương án tuyển sinh (gồm cả xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3), chắc chắn thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường đều có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thường các trường xét kết quả học tập và tốt nghiệp phổ thông có điểm trung bình từ 6 trở lên đối với đại học và 5,5 trở lên đối với cao đẳng. Về điểm sàn, thay vì có một điểm sàn duy nhất như trước đây, năm nay Bộ sẽ công bố nhiều mức xét tuyển cơ bản, đồng thời đưa ra nguyên tắc xác định điểm xét tuyển có nhân hệ số 2 đối với môn thi chính.Quy định nhiều mức xét tuyển cơ bản giúp các trường tùy theo khả năng thu hút thí sinh của mình lựa chọn mức phù hợp. Việc quy định nhân hệ số 2 đối với môn thi chính giúp cho các trường chọn được thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành đang đào tạo tại trường.
Hiện nay, các trường đã công bố môn thi chính được nhân hệ số. Các môn thi năng khiếu, các môn ngoại ngữ, các môn cơ bản cần thiết cho một số ngành... đã được các trường lựa chọn làm môn thi chính. Căn cứ quy chế tuyển sinh mới, những thí sinh có năng lực tốt, có sở trường môn thi chính sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn vào các ngành có chọn môn thi chính. Trước đây các trường cũng nhân hệ số môn thi chính nhưng chỉ được thực hiện đối với những thí sinh đã đạt được kết quả trên điểm sàn.Đặc biệt, theo quy định mới, những thí sinh có kết quả thi 3 môn thấp hơn ngưỡng xét tuyển cơ bản nhưng có môn thi chính đạt điểm cao vẫn có khả năng trúng tuyển.
Có thể nói, mùa tuyển sinh năm nay có nhiều quy định mới và tạo nhiều cơ hội cho thi sinh vào học đại học, theo đó, các trường cũng vận dụng linh hoạt hơn trong xét tuyển. Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng băn khoăn về vấn đề chất lượng đầu vào; xét tuyển đại học có phản ánh đúng năng lực của học sinh, hay chỉ là giải pháp “tình thế” khi không thi đỗ đại học theo các ngành mà thí sinh mong muốn....