Thí sinh có thể thi vào ĐHQG Hà Nội nhiều lần trong năm

14:56, 26/08/2014

Năm 2015 theo lộ trình ĐHQG Hà Nội áp dụng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực trước kỳ thi 3 chung của Bộ.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN), từ năm 2015, theo lộ trình ĐHQG HN áp dụng bài thi đánh giá năng lực chung để tuyển sinh. Cách thi như vậy tách rời việc thi với việc tuyển và với phương thức đào tạo theo tín chỉ ở bậc đại học như hiện nay, hoàn toàn mở ra cơ hội cho các trường đại học có thể gọi thí sinh trúng tuyển nhập học 2 lần/năm. Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức về phương án mới này của ĐHQG HN.

 

PV: Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm học 2014-2015 này ngành GD-ĐT sẽ phải tổ chức kỳ thi chung đảm bảo 2 mục tiêu công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) xét tuyển đầu vào. ĐHQG HN có xây dựng phương án nào cho kỳ thi chung này không, thưa Giáo sư?

 

GS. Nguyễn Đình Đức: ĐHQG HN đã có sự chuẩn bị từ rất lâu cho phương án này, đó là phương án tuyển sinh thực hiện trên cơ sở đánh giá năng lực toàn diện của người học. Khởi nguồn từ năm 1997, khi ĐHQG HN bắt đầu triển khai tuyển chọn các em học sinh giỏi vào học các hệ tài năng, sau đó là những kết quả  nghiên cứu từ đề tài cấp Nhà nước về các công cụ để đánh giá tuyển chọn, phát hiện và quy trình đào tạo và bồi dưỡng nhân tài từ năm 2004-2005 do GS. Đào Trọng Thi làm chủ nhiệm.

 

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, ĐHQG HN lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo phương án về cơ bản theo hình thức tương tự như của Hoa Kỳ. Tuy nhiên có sự hiệu chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.

 

Từ năm 2012, Giám đốc ĐHQG HN đã chỉ đạo Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục phối hợp với Ban Đào tạo và các đơn vị đào tạo chuẩn bị các câu hỏi nguồn. Đến nay, ĐHQG HN đã xây dựng được 4.000 câu hỏi nguồn và đào tạo được khoảng 50 cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực (ĐGNL). ĐHQG HN cũng đã áp dụng thí điểm tuyển sinh theo ĐGNL ở bậc sau ĐH từ năm 2011.

 

Phương án cụ thể của ĐHQG HN tuyển sinh ĐH theo đánh giá năng lực như sau: Thí sinh phải làm bài thi chuẩn hoá ĐGNL chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như bài thi SAT1 và SAT 2 của Hoa Kỳ).

 

Đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự như SAT 1), là đề thi trắc nghiệm. Bài thi chuẩn hóa ĐGNL chung được xây dựng với cấu trúc đầy đủ 4 hợp phần là: Toán; Ngữ văn; KHTN và KHXH. Tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 215 phút (trong 1 buổi). Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ; 60% trung bình và 20 khó. Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, nhưng có trọng số theo nội dung ở lớp 12. Hai hợp phần KHTN & KHXH bao phủ toàn diện nội dung lớp 11 và 12, với trọng tâm là lớp 12. Bài thi được chấm theo 4 đầu điểm riêng rẽ của 4 hợp phần.

 

Năm 2014, ĐHQG HN áp dụng bài thi này để tuyển các em đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào học các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, nên đề thi ĐGNL của năm 2014 được thiết kế đơn giản hơn, gồm 3 hợp phần: 50 câu hỏi về kiến thức Toán học, 50 câu hỏi về kiến thức Ngữ văn (với cơ cấu 10% trong chương trình lớp 10, 20% trong chương trình kiến thức lớp 11 và 70% trong chương trình lớp 12) và 40 câu hỏi ở phần tự chọn (thí sinh có thể lựa hợp phần bao gồm 40 câu kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc 40 câu kiến thức Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (với cơ cấu kiến thức 30% lớp 11 và 70% lớp 12).

 

Đề thi ĐGNL năm 2014 có tổng số 140 câu hỏi (mỗi câu hỏi trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm), thời gian làm bài là 195 phút.

 

Sau khi có kết quả bài thi ĐGNL chung, vào ĐHQG HN các em còn phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Hoa Kỳ) nhằm đánh giá năng lực và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học ở ĐHQG HN.

 

PV: Mục tiêu đặt ra cho các phương án thi là phải giải quyết được 2 vấn đề hình thức tổ chức, đề thi và phương thức chấm làm sao phải đảm bảo được tính khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh – vậy phương án này có giải quyết được các vấn đề đó không, thưa Giáo sư?

 

GS. Nguyễn Đình Đức: Phương án này chúng tôi có sự cân nhắc rất kỹ vì chúng tôi tham khảo kinh nghiệm của Mỹ như bài thi SAT 1, SAT 2 nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam.

 

Chúng tôi không chỉ nghiên cứu các bài thi SAT, mà còn có sự tham khảo các dạng thức của bài thi ACT nữa. SAT 1 chủ yếu bao gồm kiến thức cơ bản đến lớp 10, sau đó với một số đại học lớn, các em còn phải làm thêm bài thi chuyên biệt SAT 2. Còn với dạng thức bài thi đánh giá năng lực theo ACT thì kiến thức trong bài thi được bao phủ hết toàn bộ chương trình THPT. 

 

Kinh nghiệm thế giới cho thấy ở những nước văn minh ít chuyện nhờ vả tiêu cực người ta dùng phương pháp đánh giá theo SAT. Còn những nước dù văn minh nhưng áp lực về thi cử  lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Âu thì họ thường dùng bài thi đánh giá năng lực theo ACT (ở Hoa Kỳ chấp nhận cả 2 hình thức bài thi theo SAT và ACT). Bài thi ĐGNL của ĐHQG HN có cân nhắc đến những yếu tố trên.

 

ĐHQG HN có thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực có đầy đủ các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ KHTN-CN đến XHNV, Kinh tế - Luật, Ngoại ngữ… nên đã chủ động xây dựng được các câu hỏi nguồn có chất lượng. Các câu hỏi thi được chọn giao cho những giảng viên giàu kinh nghiệm và đã từng tham gia ra đề thi cho Bộ, lại được thẩm định, kiểm tra chéo nên bộ đề có chất lượng tốt, có  thể đánh giá được chính xác năng lực của thí sinh, qua kết quả thi sẽ chọn lọc được thí sinh. Việc làm bài thi và chấm được thực hiện trực tiếp trên máy tính. Việc chọn mã cũng như chọn đề được thực hiện cũng bằng máy. Toàn bộ quy trình đó đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng trong quá trình làm bài và chấm thi.

 

PV: Thưa Giáo sư, phương án thi này sẽ phải ứng dụng CNTT, trong khi với đặc thù vùng miền không phải chỗ nào chúng ta cũng đáp ứng được yêu cầu này. Vậy có giải pháp nào để giải quyết được thực trạng này?

 

GS. Nguyễn Đình Đức: Hiện nay ĐHQG HN đã xây dựng phần mềm để thực hiện thi và chấm thi trên máy tính. Với phần mềm này thì mới tổ chức thi trên máy có chung máy chủ của ĐHQG và có thể tổ chức ở từng trường, từng địa điểm thi nhất định ở các địa phương (nơi có máy chủ và phòng máy).

 

Hiện nay tuyệt đại đa số các tỉnh, các trường đã có phòng máy và máy chủ nên việc triển khai ĐGNL trên phạm vi cả nước là khả thi. Tuy nhiên để tổ chức được thi online qua mạng Internet thì phải được đầu tư thêm, cải tiến phần mềm và kết hợp với các doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như Viettel (đã ký kết hợp tác với ĐHQG HN phối hợp triển khai phương án này).

 

Còn ở những nơi quá xa xôi hẻo lánh, các em có thể đăng ký đến địa điểm tổ chức thi gần nhất để làm bài thi. Khó khăn hơn nữa chắc là phải có những chính sách đặc thù riêng, nhưng đó không phải là tình trạng phổ biến.

 

PV: Chúng ta đổi mới thi trong khi chương trình và SGK chưa đổi mới vậy phương án có giải quyết được những hạn chế này?

 

GS. Nguyễn Đình Đức: Trong tương lai, khi những bộ đề thi này ngày càng được chuẩn hóa và phủ kín những kiến thức ở bậc THCS cũng như bậc THPT thì các em sẽ phải ôn tập với phổ rộng hơn. Từng bước chúng ta sẽ hoàn thiện để có bộ đề thi chuẩn, giáo trình ôn thi chuẩn như SAT 1, SAT 2 và ACT… Việt Nam chắc cũng sẽ phải đổi mới và hội nhập với thế giới theo con đường như vậy, tuy nhiên trước mắt với phương án ra câu hỏi thi và bộ đề thi đã được ĐHQG HN Việt hóa cho phù hợp. Bài thi ĐGNL của ĐHQG HN vẫn trọng tâm vào kiến thức lớp 12, chỉ có 20% kiến thức ở lớp 11 và 10% ở lớp 10.

 

PV: Trong phương án thực hiện của ĐHQG HN có tính đến việc tạo cơ hội cho thí sinh thi trượt không, thưa Giáo sư?

 

GS. Nguyễn Đình Đức: Theo thông lệ quốc tế kỳ thi ĐGNL của nước ngoài được tổ chức thường xuyên mỗi tháng 1 lần, ĐHQG HN cũng tư duy và triển khai theo phương án này. Bài thi ĐGNL có thể được triển khai trong nhiều đợt trong năm. Các em cũng có thể đăng ký thi lại cho đạt yêu cầu, hoặc thi lại để cải thiện điểm với kết quả thi cao hơn. Đây là thông lệ quốc tế. Thậm chí với các em lớp 11 học giỏi và tự học trước chương trình THPT cũng có thể đăng ký thi để có điểm, có  kết quả ĐGNL để cầm chắc chứng chỉ được xét vào ĐH sớm.

 

Thi ĐGNL sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các em. Với các vùng miền khác nhau có thể áp dụng cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển. Bên cạnh đó, ĐHQG HN vẫn có bài thi ĐGNL chuyên biệt để các em học sinh giỏi, học sinh năng khiếu có cơ hội thể hiện năng lực và tài năng của mình.

 

Bài thi chuẩn hóa ĐGNL chung thực chất không phải là đánh đố, đỗ - trượt mà là kiểm tra kiến thức và năng lực cơ bản của ứng viên để xem có đáp ứng được yêu cầu có thể học tiếp theo ở bậc ĐH. Cách thi như vậy tách rời việc thi với việc tuyển, và với phương thức đào tạo theo tín chỉ ở bậc đại học như hiện nay hoàn toàn mở ra cơ hội cho các trường đại học có thể gọi thí sinh trúng tuyển nhập học 2 lần/năm. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực của xã hội lên một kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay, đồng thời tôi cho rằng đây sẽ là luồng gió mới làm thay đổi căn bản hoạt động tuyển sinh đại học của Việt Nam.

 

Năm 2015 theo lộ trình ĐHQG HN áp dụng tuyển trước các em học các hệ này trước kỳ thi 3 chung của Bộ. Nếu được Bộ chấp nhận sử dụng bài thi ĐGNL chung có thể thay thế thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc từ năm 2015, phương án triển khai cũng khả thi, vì các tỉnh, thành phố, các trường THPT trên toàn quốc đều có máy chủ và phòng máy.

 

Từ nay đến tháng 5/2015 chúng ta cũng còn có thêm thời gian để chuẩn bị. Hơn nữa, nếu số lượng máy tính hạn chế, bài thi có thể được làm trong nhiều đợt trong tháng 5/2015 để kịp có kết quả xét tốt nghiệp THPT cho các em. Nếu đợt đầu các em chưa đạt, các em có thể đăng ký thi lại cho đến khi đạt yêu cầu.

 

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!./.