Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy, thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, nhất là với các thí sinh chuẩn bị đăng ký xét tuyển năm 2015. Vì đây là quy chế hoàn toàn mới, tăng tính tự chủ cho các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh, gắn với kỳ thi THPT quốc gia lần đầu được triển khai.
Hai phương thức tuyển sinh
Theo Bộ GD và ĐT, để tăng tính tự chủ cho các trường ĐH, CĐ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trong tuyển sinh năm 2015, các trường sẽ có hai phương thức tuyển sinh khác nhau là lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng của từng trường hoặc nhóm trường. Trong đó, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Riêng trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển phải xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.
Về nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển, các trường sẽ duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (khối thi truyền thống) để xét tuyển. Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới, ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cần dành ít nhất 75% số chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Ngoài ra, các trường có thể thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển nhưng phải theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất ba môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển. Như vậy, với những thí sinh đã có xu hướng học tập để dự thi, tuyển sinh theo các môn truyền thống hoàn toàn không bị ảnh hưởng và vẫn có thể yên tâm đăng ký xét tuyển như những năm trước đây.
Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng, có đề án được xây dựng phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hình thức, nội dung tuyển sinh phải phù hợp với ngành đào tạo của nhà trường và chương trình giáo dục phổ thông; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; Có tiêu chí và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Kết quả thi của thí sinh vào trường (hoặc nhóm trường) tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường (hoặc nhóm trường) đó, không có giá trị xét tuyển sang trường (hoặc nhóm trường) khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường.
Vẫn có tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào
Một điểm đáng lưu ý trong tuyển sinh năm 2015 mặc dù có hai phương thức tuyển sinh nhưng phương thức nào cũng phải xây dựng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trong đó, các trường lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển thì Bộ GD và ĐT căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi để xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường xây dựng phương án xét tuyển. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực trên với kết quả tổng điểm ba môn thi thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào một điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức.
Đối với trường tuyển sinh riêng có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Vì vậy, trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nếu lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì cũng phải bảo đảm thí sinh có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD và ĐT quy định. Ngoài ra, trường tuyển sinh riêng sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10). Nếu các trường tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển phải bảo đảm đề thi theo đúng quy định tại quy chế thi THPT quốc gia.
Để được xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ, thí sinh phải tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề). Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD và ĐT.Đối với thí sinh đăng ký vào trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi xét tuyển nguyện vọng một (nếu trúng tuyển nguyện vọng một, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo). Nếu không trúng tuyển nguyện vọng một sẽ dùng ba bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung tiếp theo. Trong khi đó, thí sinh đăng ký vào trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ theo quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường.
Theo các chuyên gia giáo dục, những quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy áp dụng từ năm 2015 đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đa dạng về học tập của thí sinh cũng như công tác tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, đây là lần đầu tổ chức tuyển sinh gắn với nâng cao tự chủ của các trường ĐH, CĐ và gắn với kỳ thi THPT quốc gia cho nên quá trình triển khai sẽ còn có những vấn đề phát sinh đòi hỏi cần có sự hoàn thiện cho phù hợp thực tiễn.