Thí sinh biết lượng sức mình

10:17, 08/05/2015

Qua thời hạn cuối cùng để các thí sinh (TS) nộp hồ sơ tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 14.309 TS đăng ký dự thi. Qua kết quả đăng ký dự thi cho thấy nhiều TS đã biết lượng sức mình…

Căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia 2015 của Bộ GD&ĐT, Thái Nguyên có 2 cụm thi. Cụm thi thứ nhất do tỉnh tổ chức cho những TS chỉ thi để lấy kết quả tốt nghiệp; cụm thi thứ hai là cụm thi liên tỉnh được giao cho Đại học Thái Nguyên chủ trì cho các TS vừa xét công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đồng chí Lê Quang Trung, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT: Trong số 14.309 TS đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, có 4.292 TS chỉ đăng ký dự thi để lấy kết quả tốt nghiệp, chiếm 29,9% tổng số TS đăng ký dự thi năm nay. Cụm thi thứ nhất tỉnh giao cho Sở GD&ĐT tổ chức. Theo đó, trung bình mỗi huyện sẽ có một điểm thi riêng, giảm thiểu tối đa việc đi lại xa xôi, vất vả, tạo áp lực lo lắng cho học sinh (HS) và phụ huynh. Cụm thi liên tỉnh do Đại học Thái Nguyên chủ trì tổ chức gồm TS của 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kan, Bắc Giang, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

 

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Đồng thời, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ TS dự thi 4 môn quy định trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp trong các môn với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định. Qua tổng hợp số lượng TS đăng ký dự thi tại các điểm tiếp nhận hồ sơ của tỉnh cho thấy trong các môn tự chọn, môn Địa lý được TS chọn nhiều nhất (7.443 TS đăng ký dự thi), tiếp đến 2 môn tương đương nhau là Vật lý (5.911 TS đăng ký dự thi) và Hóa học (5.907 TS đăng ký dự thi), thấp nhất là môn Lịch sử 2.574 TS đăng ký dự thi.

 

Qua tổng hợp ban đầu hồ sơ đăng ký dự thi cho thấy, các trường thuộc khu vực T.P Thái Nguyên số lượng TS đăng ký dự thi các môn Vật lý, Hóa học để phù hợp với tổ hợp môn thi của các trường đại học khối A,A1 là rất lớn. Trường THPT Lương Ngọc Quyến, trong tổng số 758 TS đăng ký dự thi có tới 513 TS chọn môn Vật lý, 485 TS chọn môn Hóa học, trong khi đó chỉ có 87 TS lựa chọn môn Lịch sử. Tương tự, Trường THPT Chu Văn An, trong tổng số 376 TS đăng ký dự thi, có tới 295 TS đăng ký thi môn Vật Lý, 260 TS đăng ký thi môn Hóa học, chỉ có 23 TS đăng ký thi môn Lịch sử. Trường THPT Gang thép, số TS đăng ký thi tự chọn các môn phù hợp với tổ hợp khối A, A1 cũng áp đảo, cụ thể trong tổng số 464 TS đăng ký dự thi, môn Vật lý có 281 TS, môn Hóa học có 271 TS, Sinh học 183 TS, môn Địa lý 117 TS, còn môn Lịch sử chỉ có 27 TS đăng ký dự thi. Không chỉ HS thành phố sợ thi môn Lịch sử mà các trường ở các huyện miền núi tỷ lệ đăng ký dự thi môn này cũng thấp hơn các môn học khác, cụ thể THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai) chỉ có 23 TS đăng ký thi môn Lịch sử, trong khi đó môn Địa lý là 184 TS đăng ký. Hay như Trường THPT Lưu Nhân Chú (Đại Từ) cũng chỉ có 50 TS đăng ký thi tự chọn môn Lịch sử, còn môn Địa lý lên tới 146 đăng ký… Vì thế, môn Lịch sử cũng mà môn mà các TS đăng ký dự thi tự chọn ít nhất trong kỳ thi này.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, em Chu Thị Thúy Huệ, HS lớp 12A2, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho biết: Em đăng ký thi 2 môn tự chọn là Hóa học và Vật lý để có điểm đăng ký vào các khoa thuộc các trường đại học thuộc khối A và A1. Em thấy xu hướng các bạn trong lớp và trường em chọn các môn thuộc khối A và A1 để thi nhiều hơn so với các môn xã hội. Lựa chọn của các bạn cũng chính là gắn với cơ hội tìm việc làm sau này dễ dàng hơn. Môn Lịch sử ít bạn chọn, theo em vì đây là môn học thuộc, liên quan đến nhiều mốc lịch sử, gắn với các sự kiện rất khó nhớ, vì thế nhiều bạn rất sợ học môn này. Và những năm gần đây xu hướng học khối C ra trường cũng khó xin việc hơn.

 

Nếu như số TS ở các trường trung tâm của tỉnh phần lớn đăng ký thi để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì số TS khối các huyện miền núi chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, Trường THPT Định Hóa năm học này có 507 HS khối 12, thì có tới 224 em chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Tương tự, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, trong số 267 HS khối 12, có tới 175 em chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp, chiếm tới 63,1% tổng số HS đăng ký dự thi. Và Trường THPT Nguyễn Huệ  (Đại Từ) trong số 480 HS đăng ký dự thi thì có tới 180 TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp. Trong khi đó, các trường THPT Lương Ngọc Quyến chỉ có 3/758 TS;  THPT Chu Văn An 4/376 TS; THPT Nội trú tỉnh chỉ có 1/120 em đăng ký chỉ thi để xét tốt nghiệp… Trao đổi cùng chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Định Hóa và thầy giáo Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt đều có chung nhận định: Những TS chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp phần lớn có học lực trung bình, yếu, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Các em đã biết lượng sức mình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Những HS chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT phần lớn đều xác định sau khi thi có tấm bằng tốt nghiệp có thể xin đi học nghề, hoặc có thể đi làm lao động tự do tại công ty, các khu công nghiệp có thể kiếm tiền được ngay. Và theo thống kê của lãnh đạo các trường này thì những năm gần đây, tỷ lệ học sinh của trường đỗ ĐH, CĐ cũng chỉ chiếm trên 30%.

 

Tại thời điểm này các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên đang tích cực ôn tập kiến thức để các em HS vững tin khi bước vào kỳ thi sắp tới. Nhiều nhà trường còn tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực HS lớp 12 để giúp các em tập dượt trước kỳ thi THPT Quốc gia. Sở GD & ĐT, các địa phương, nhà trường đã quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07 “Về việc tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 và tuyển sinh năm học 2015-2016”, quyết tâm tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đại học Thái Nguyên chủ trì cụm thi liên tỉnh đã lên kế hoạch, chủ động làm việc với các địa phương để cùng xây dựng các phương án triển khai, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kỳ thi. Thể hiện sự tin tưởng vào kỳ thi, các trường phổ thông đã tăng cường hoạt động tư vấn, trợ giúp và đặc biệt một số nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho HS đến sát ngày thi theo yêu cầu của phụ huynh HS. Nhiều HS đã chủ động ôn luyện, sẵn sàng tâm thế  tốt nhất để bước vào cuộc với kết quả cao nhất.