Các trường đại học và cao đẳng (ĐH,CĐ) trong cả nước vừa kết thúc đợt 1 việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hệ chính quy. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thừa nhận trong quá trình tổ chức xét tuyển, do nhiều nguyên nhân đã phát sinh những vướng mắc, gây tâm lý căng thẳng trong phụ huynh, thí sinh. Đây là năm đầu tiên tổ chức xét tuyển theo hình thức mới, cả Bộ GD-ĐT, các trường ĐH,CĐ lẫn thí sinh và phụ huynh đều chưa lường trước được các tình huống có thể xảy ra.
Theo con số thống kê của Ngành GD-ĐT, đã có hơn 560 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ trong đợt đầu, trong đó hệ ĐH là 531 nghìn. Có thể nói, phần lớn thí sinh có từ 15 điểm trở lên đã tham gia xét tuyển ĐH đợt này. Trong số hơn 400 trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia để xét tuyển, có 108 trường ĐH, 21 trường CĐ có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng 1).
Điều tra dư luận xã hội về kỳ thi THPT quốc gia năm nay của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, đa số ý kiến người dân đánh giá cao kỳ thi đã đạt được 2 mục tiêu lớn: Tiết kiệm được thời gian và chi phí cho xã hội; giảm áp lực thi cử cho thí sinh và phụ huynh. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện bước đột phá đổi mới về thi cử, thực hiện chủ trương đổi mới về giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Đánh giá chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét tuyển vào ĐH,CĐ, Bộ GD-ĐT cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐH, giải quyết tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn rớt ĐH, đồng thời giúp tăng thêm nguồn tuyển sinh cho các trường ĐH,CĐ. Tuy nhiên sự thay đổi này cũng thể hiện những bất cập, ảnh hưởng đến thí sinh. Có thể kể đến như: Để thí sinh đăng ký 4 ngành và được điều chỉnh nguyện vọng của mình trong một thời gian dài đến 20 ngày; các quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa thật sự hợp lý gây tâm lý hoang mang lo lắng căng thẳng trong phụ huynh, thí sinh; nhiều phụ huynh thí sinh phải đi lại, chen chúc tại các trường ĐH,CĐ, gây tốn kém. Ngành GD-ĐT đã không sử dụng triệt để ứng dụng của tin học, lẽ ra các em không phải đến trực tiếp các trường vẫn có thể nộp hồ sơ tham dự xét tuyển...
Các em phải liên tục theo dõi thông tin xét tuyển của trường để quyết định có rút hồ sơ nộp sang trường khác hay không; rút hồ sơ rồi thì nộp sang trường nào, ngành nào; điểm xét tuyển dự kiến của trường định nộp là bao nhiêu, có cơ hội trúng tuyển không. Nhiều thí sinh điểm cao chờ đến cuối đợi xét tuyển mới nộp hồ sơ, khiến ngưỡng điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH, chủ yếu là các trường top đầu liên tục tăng, gây khó khăn cho những thí sinh có điểm nằm ở top giữa. Nhiều thí sinh phải cuống cuồng rút hồ sơ vào những ngày cuối dù có điểm xét tuyển được đánh giá là ở mức độ an toàn. Việc đăng ký xét tuyển năm nay bỗng nhiên trở thành cuộc chạy đua đầy tính may rủi của cả thí sinh lẫn phụ huynh, ai cũng chờ phút chót mới nộp, gây tình trạng quá tải cho các trường xét tuyển. Tình trạng nộp hồ sơ cho xong, rồi phó mặc cho “số phận”, hoặc nộp hồ sơ theo kiểu “chỉ cần trúng tuyển ĐH” mà không tính đến sở trường, đam mê, yêu thích do đã quá mệt mỏi trong cuộc chạy đua xét tuyển cũng đã xảy ra.
Thực chất, số thí sinh phải đi lại nhiều không thể nào so sánh với hàng triệu lượt thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và mỗi đợt thi ĐH,CĐ hàng năm trước đây. Việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích so với việc tổ chức 4 kỳ thi trước đây rõ ràng giảm được chi phí và áp lực thi cử rất lớn cho toàn xã hội. Việc tổ chức xét tuyển năm nay, các em tuy có vất vả để tính toán, cân nhắc việc nộp đơn vào các trường ĐH,CĐ, song điều đó cũng đã tạo nhiều cơ hội giúp các em chọn được ngành học theo ý muốn, phù hợp với khả năng của mình sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó, khi các trường tuyển được nhiều thí sinh yêu thích ngành nghề, có năng lực tương đối đồng đều thì việc nâng cao chất lượng đào tạo được thực hiện dễ dàng hơn. Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà trường.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Trong đợt xét tuyển tiếp theo, các thí sinh sẽ không phải đăng ký nhiều lần mà dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng của mình gửi về các trường ĐH,CĐ thông qua các kênh: Sở GD-ĐT, trường THPT mà các em học qua đường bưu điện; gửi trực tiếp đến các trường ĐH,CĐ mà mình đăng ký. Bộ GD-ĐT đảm bảo tất cả phiếu đăng ký của các thí sinh qua các kênh trên đều sẽ được chuyển nhanh chóng, trực tiếp, chính xác đến các trường mà các em có nguyện vọng đăng ký.