Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên -2015: Thí sinh lúng túng khi xét tuyển

14:48, 05/08/2015

Mỗi thí sinh có 4 đợt xét tuyển vào đại học và 5 đợt cho cao đẳng, cách ghi hồ sơ, chọn tổ hợp môn thi cũng hoàn toàn khác những năm trước khiến nhiều thí sinh bối rối. Nhiều trường và ngành học lấy điểm điều kiện xét tuyển bằng mức điểm sàn (15 điểm) để tuyển đủ ngay đợt 1; thí sinh vẫn thăm dò và dao động trước nhiều luồng thông tin xét tuyển ở các trường.

Ngày 5-8, ngày thứ năm xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), không khí vẫn trầm lắng trong sự thăm dò tìm hiểu thông tin từ phía thí sinh và gia đình. Tại các điểm tiếp nhận hồ sơ xét tuyển và tư vấn tuyển sinh, phần lớn chỉ có các nhóm thí sinh đến hỏi tin tức và tìm kiếm cơ hội mới quyết định đăng ký xét tuyển. Bất cứ có hồ sơ nào đăng ký đều có sự soi xét xung quanh để tự đối chứng mức điểm và suy đoán phân hạng hồ sơ của bản thân. Chính điều này khiến không ít thí sinh và gia đình lúng túng khi làm thủ tục hồ sơ tham gia xét tuyển. Theo quy định, từ ngày 1-8 đến hết ngày 20-8, thí sinh bắt đầu xét tuyển nguyện vọng 1. Thí sinh lấy một phiếu điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học để nộp hồ sơ xét tuyển. Khác với những năm trước, thí sinh có 3 đợt xét tuyển vào các trường ĐH và 4 đợt cho bậc CĐ. Mỗi bạn được chọn một ngành ở một trường. Hết hạn nộp hồ sơ, thí sinh biết đỗ hay trượt khi trường công bố điểm chuẩn. Còn năm nay, áp dụng cách xét tuyển mới nên thí sinh lo lắng và không thể biết trước.

 

Hà Thị Huyền (Trường THPT Lê Hồng Phong, thị xã Phổ Yên) thi 6 môn ở kỳ thi THPT Quốc gia, trong đó, các môn Văn, Anh, Lý, Hóa đủ điểm điều kiện tham gia xét tuyển cho biết: "Em chưa hình dung được hồ sơ xét tuyển năm nay sẽ như thế nào. Mỗi trường em được chọn 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, mỗi ngành em được chọn một khối thi hay 4 ngành phải chọn một tổ hợp để xét tuyển". Còn thí sinh Nguyễn Mạnh Hải (Trường THPT Dương Tự Minh, T.P Thái Nguyên) cũng băn khoăn cách ghi hồ sơ xét tuyển. Hải chia sẻ: "Một trường được chọn 4 ngành nhưng nếu ngành đó mình không thích thì có phải ghi vào hồ sơ hay không? Nếu không ghi đủ 4 ngành trên phiếu đăng ký xét tuyển thì có phạm quy không. Em phải mua hồ sơ ở đâu để xét tuyển".

 

Giải đáp thắc mắc của thí sinh, PGS,TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐHTN, cho biết: Để nộp hồ sơ năm nay, thí sinh phải hiểu rõ việc xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ. Nếu không, các em sẽ khó trúng tuyển vào bất cứ trường nào hoặc không được học trường, ngành yêu thích. Khi có kết quả thi, mỗi thí sinh sẽ được nhận 4 phiếu điểm. Trong đó có một phiếu xét nguyện vọng 1 và  ba phiếu cho các nguyện vọng bổ sung. Mỗi nguyện vọng, thí sinh được xét tuyển tối đa 4 ngành cùng một trường, theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian quy định, thí sinh được phép thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào các trường khác.Khi trúng tuyển, các nguyện vọng bổ sung sẽ không còn giá trị. Nếu thí sinh đậu vị trí ưu tiên số một thì không được xét các ưu tiên còn lại. Nếu trượt nguyện vọng một, thí sinh dùng 3 phiếu điểm còn lại nộp vào 3 trường ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Mỗi trường, thí sinh cũng được đăng ký 4 ngành giống như nguyện vọng một. Nghĩa là trong đợt xét tuyển này, thí sinh có thể đăng ký tới 12 ngành của 3 trường. Nếu trượt, thí sinh rút 3 phiếu điểm đã nộp và tiếp tục xét tuyển như lần trước. Việc nộp hồ sơ xét tuyển năm nay khác những năm trước, thí sinh đến trường đại học sẽ được cung cấp phiếu đăng ký xét tuyển để điền tên ngành, tổ hợp xét tuyển. Các em sẽ căn cứ vào thông báo tuyển sinh của trường để ghi tổ hợp xét tuyển. Năm nay, mỗi ngành sẽ có từ 3-4 khối thi. Thí sinh ghi hết 4 nguyện vọng hoặc chỉ ghi một nguyện vọng.

 

Thực tế qua theo dõi những thông tin điều kiện tham gia xét tuyển của các trường và diễn biến về việc lựa chọn ngành, nghề học tập có thể thấy mùa tuyển sinh năm nay có nhiều biến động nên các trường đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng ngưỡng xét tuyển của Bộ (15 điểm). Nếu thí sinh thi 3 môn được 15 điểm thì cần lựa sức mình trước khi tham gia nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường và ngành, nghề có số đông người tham gia, như vậy rủi ro rất cao. Thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn của trường định nộp hồ sơ ở các năm trước. Nếu thấy điểm của mình cao hơn 1-2 điểm thì sẽ có cơ hội trúng tuyển. Đối với ĐHTN, thí sinh có nhiều lựa chọn hơn với một số trường đại học khác, bởi mỗi thí sinh có 16 cơ hội trúng tuyển tại các trường đại học thuộc ĐHTN. Ví dụ như: Thí sinh không đủ điều kiện học Y Dược ở khối B, có thể tham gia xét tuyển sang cùng khối các trường đại học thành viên của ĐHTN, nhưng với các trường đại học khác, khi không đủ điều kiện trúng tuyển thì cơ hội lựa chọn ngành học cùng khối sẽ ít hơn và không được dùng kết quả đó để tham gia xét tuyển sang các trường khác, mà phải dùng nguyện vọng bổ sung. Trong khi quy định nguyện vọng bổ sung điểm xét tuyển tối thiểu phải bằng điểm chuẩn trúng tuyển của xét tuyển đợt 1, hoặc cao hơn.

 

Theo Hội đồng tuyển sinh ĐHTN nhận định, các thí sinh cần cân nhắc và xem xét cơ hội trúng tuyển cho mình ở ngay nguyện vọng 1 (NV), vì khả năng trúng tuyển đối với NV 2 trở đi là khó, mặc dù “cửa” NV2, 3, 4 là thoải mái đối với thí sinh. Lý do các trường muốn tuyển xong trong NV 1, chỉ thiếu chỉ tiêu mới tuyển NV bổ sung do tỷ lệ ảo đối với NV bổ sung lên tới 1/3: Thí sinh còn 3 giấy báo điểm (mỗi giấy 4 NV) sẽ nộp 3 trường khác nhau để có cơ hội trúng tuyển lớn. Vì vậy, mức độ trúng tuyển các NV bổ sung là ít hơn.