Tuyển sinh Đại học Thái nguyên 2015: Trường mỏi mắt tìm thí sinh

17:08, 19/09/2015

Thời hạn kết thúc xét tuyển sinh đợt 3 đã gần hết (24-9), nhưng lượng thí sinh đến làm thủ tục xét tuyển chỉ lưa thưa vài chục hồ sơ. Trái với những dự tính ban đầu (rớt các trường top đầu sẽ quay trở lại các trường top dưới), nên có nhiều trường hợp phát giấy gọi trúng tuyển cũng không có hồi âm. Mặc dù số thí sinh trúng tuyển theo thống kê của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đến gần hết thời hạn nhận hồ sơ và xét tuyển đợt 3 đã đạt gần 90% (9.400/11.800 chỉ tiêu), song tỉ lệ nhập học thực tế mới chỉ đạt trên 80%. Nhiều trường mỏi mắt đợi thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển trong trạng thái lo lắng không đủ chỉ tiêu.

Nếu như những năm trước đây, trường công lập không mấy lo lắng về việc tuyển đủ chỉ tiêu, thì năm nay đứng ngồi không yên. Từ khi bắt đầu đợt xét tuyển, mỗi ngày Trường Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm, Đại học Kinh tế quản trị và kinh doanh chỉ nhận được vài chục bộ hồ sơ. Số lượng chỉ tiêu còn lại vẫn lên tới trên 2.000. Phải chăng đã cạn nguồn tuyển sinh? Thầy Nguyễn Văn Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học phân tích: “Mọi năm các trường tự chủ tuyển sinh, không quá nhiều nguyện vọng thì chỉ cần tuyển theo nguyện vọng 1hoặc đến nguyện vọng 2 đã gần đủ chỉ tiêu. Nhưng bây giờ chúng tôi cứ phải nhặt từng hồ sơ, không biết khi nào mới đủ chỉ tiêu. Đến hết ngày 19-9 mới có gần 900 thí sinh nhập học/1340 chỉ tiêu, đạt gần 70%. Không hiểu sao năm nay lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ít như thế?

 

Theo tổng hợp thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tổng số thí sinh dự thi THPT Quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là gần 730 nghìn. Trong khi tổng số chỉ tiêu vào đại học năm 2015 của cả nước là khoảng hơn 439 nghìn, Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển, còn lại là chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học năm 2015 là 15 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh đại học (của các trường sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để tuyển), số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Đến xét tuyển đợt 3 các trường lấy điểm trúng tuyển chủ yếu bằng điểm sàn (điểm điều kiện tham gia xét tuyển), vậy mà vẫn thiếu chỉ tiêu. Có thể ngay trong các trường top trên đã “vét” hết thí sinh để đủ số lượng. nhiều thí sinh vào học chưa chắc đã đúng ngành, nghề như mong muốn, nhưng sau 2-4 năm học thêm các tín chỉ, học tăng cường…thì khi tốt nghiệp vẫn có thể có tấm bằng đúng như ngành nghề mong muốn ban đầu”.

 

Trường ĐH Nông lâm có trên 2.200 chỉ tiêu, trong đó, xét tuyển theo học bạ THPT đã có trên 800 chỉ tiêu, xét nguyện vọng bổ sung đợt 3 vẫn còn cần trên 900 chỉ tiêu xet theo kết quả thi THPT Quốc gia. Riêng đợt 1 và đợt 2, Trường chỉ xét tuyển được trên 400 chỉ tiêu và sau 7 ngày (từ 11-9, đến nay) mới có trên 1.600 thi sinh nhập học. Đối với Trường Đại học Kinh tế - Quản trị và Kinh doanh cũng trong tình trạng khan hiếm thí sinh. Sau hai đợt xét tuyển trước đó, Trường mới chỉ nhận được trên 800 thí sinh nhập học/1500 chỉ tiêu, đạt gần 60%. Theo Ban tuyển sinh của trường, trong đợt 3 xét tuyển chỉ có vài chục hồ sơ đăng ký. Như vậy đồng nghĩa với việc đủ điều kiện nộp hồ sơ là trúng tuyển. Đối với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thì đưa ra thông điệp “Chất lượng hơn số lượng”. Chính vì vậy, sau 2 đợt xét tuyển, Trường tuyển được trên 1.450 chỉ tiêu nhập học, còn thiếu gần 350 chỉ tiêu, nhưng Trường quyết định dừng tuyển sinh. Theo PGS, TS Trần Minh Đức: “Nếu vì chỉ tiêu, cố tìm đủ số lượng, sau sẽ vất vả trong khâu đào tạo, thậm chí sẽ phải tổ chức học bổ túc, dạy tăng cường thêm cho sinh viên những năm đầu. Trong khi những yêu cầu đổi mới, sinh viên vào trường đã phải tập trung cao độ nâng cao kiến thức mới, nhất là ngoại ngữ mới đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu ra”. Khó khăn nhất là Khoa Quốc tế, đến nay mới chỉ tiếp nhận được 40 hồ sơ/200 chỉ tiêu.

 

Có thể nhận thấy, vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh đại học đang ngày càng trở nên khó khăn. Các ngành học ít hấp dẫn dần vắng bóng người học như tuyển sinh hệ cao đẳng những năm qua. Điều này đang đặt ra với các trường đại học là cần phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu để thực sự tạo sức hấp dẫn đối với người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. Có thể ngay sau kỳ tuyển sinh đại học năm 2015, ĐHTN và các trường, khoa trực thuộc sẽ có những cuộc hội thảo để tìm ra những tồn tại trong công tác tuyển sinh và đào tạo để có những đổi mới tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của các ngành nghề cũng cần nhìn nhận chính xác hơn để có chính sách đầu tư, mở rộng và nâng cao chất lượng, để hạn chế tối đa tình trạng mất cân đối trong các ngành nghề đào tạo.