Đó là lời khuyên của tiến sỹ Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân - tới các thí sinh tham dự kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Thầy Hải cũng bày tỏ sự tâm đắc của mình trước những điều chỉnh, bổ sung của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
* Chủ trương về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đã rõ, Bộ GD&ĐT cũng đã có Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia. Vậy thầy có nhận xét gì về những điểm mới của kỳ thi năm nay?
- Những điểm mới trong kỳ thi THPT Quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia năm nay đã cơ bản khắc phục được những hạn chế trong năm 2015.
Cụ thể như: Mỗi tỉnh có cụm thi; môn thi và công tác tổ chức thi THPT Quốc gia ổn định như năm trước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý, tài chính cho các thí sinh và giảm áp lực tập trung thí sinh về các thành phố lớn.
Đối với xét tuyển đại học, cao đẳng, Bộ đã tăng quyền chủ động cho các trường. Việc không cho thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong mỗi đợt xét tuyển và số ngày xét tuyển xuống 12 ngày và 10 ngày cho các đợt kế tiếp… sẽ tạo sự ổn định cho công tác xét tuyển của các trường.
Như vậy, về cơ bản, những thay đổi năm nay sẽ khắc phục được những hạn chế lớn trong việc thi tuyển và xét tuyển trong năm 2015.
Tuy nhiên, theo tôi Bộ GD&ĐT nên cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường, việc này có lợi cho thí sinh và không gây nên xáo trộn trong kỳ xét tuyển của các trường đại học năm nay.
* Theo thầy, những điều chỉnh ở kỳ thi THPT Quốc gia sẽ mang lại những thuận lợi gì cho thí sinh và các trường, trong đó có các trường ngoài công lập?
- Theo tôi, thí sinh có nhiều thuận lợi từ việc được thi tại địa phương; đăng ký xét tuyển trực tuyến; có 4 sự lựa chọn ngành học trong đợt 1 và 6 lựa chọn cho các đợt kế tiếp; tổ hợp môn thi xét tuyển vào các ngành được mở rộng; đa dạng về hình thức xét tuyển… Qua đó đã mở ra cơ hội lựa chọn ngành, trường học cho các thí sinh.
Đối với các trường đại học, việc thí sinh không được thay đổi nguyện vọng xét tuyển, giảm số lượng nguyện vọng trong chọn ngành của thí sinh sẽ góp phần tạo nên sự ổn định và giảm tỷ lệ thí sinh ảo trong công tác xét tuyển của các trường công lập và ngoài công lập.
Đồng thời, trong dự thảo Quy chế tuyển sinh tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có đề cập đến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trình độ cao đẳng là tốt nghiệp THPT sẽ là cơ hội để các trường cao đẳng tuyển được thí sinh và giảm căng thẳng cho các thí sinh không đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cho phép các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng như xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT là điều kiện hết sức thuận lợi cho các trường ngoài công lập thực hiện việc xét tuyển.
Riêng đối với việc xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia thì các trường ngoài công lập phụ thuộc vào tổng số lượng thí sinh đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Nếu tỷ lệ này quá thấp thì cơ hội để các trường ngoài công lập tuyển sinh được là không nhiều ngoại trừ một số ngành, trường ngoài công lập có chất lượng và uy tín trước xã hội.
* Thầy có những lưu ý gì về chọn ngành, chọn trường cho các thí sinh trước kỳ thi quan trọng này?
- Thực tế cho thấy, trong những năm qua nhiều thí sinh chỉ hướng đến việc chọn trường rồi mới đến chọn ngành. Nên dẫn đến tình trạng rất nhiều thí sinh có kết quả thi không cao do thi quá nhiều môn; hay học không đúng ngành hoặc không vào được trường đại học dù điểm thi khá cao.
Do đó điều quan trọng đối với thí sinh nên bình tĩnh và nghiên cứu xem sở thích của bản thân là gì? và chọn ngành học trước khi chọn trường.
Theo tôi, trước hết thí sinh lựa chọn ngành yêu thích, sau đó lựa chọn trường có đào tạo ngành mà mình yêu thích, xếp hạng theo thứ tự ưu tiên làm cơ sở để lựa chọn môn thi và đăng ký xét tuyển.
Có như vậy, thí sinh mới đạt được kết quả cao trong kỳ thi và lựa chọn được ngành, trường học phù hợp; tránh lãng phí công sức, tiền của và thời gian của bản thân cũng như của gia đình.