Sáng 5/5, các thí sinh bắt đầu thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016. Trong đợt này, đã có 70.000 lượt thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi, nhiều hơn 1,5 lần so với đợt 1 năm 2015 (45.000 lượt).
Thời gian thi đợt 1 diễn ra từ 5-8/5 và từ 13-15/5, tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định và Thái Nguyên. Trong đó, các điểm thi tại Hà Nội gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường, Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông Hà Nội. Tại Đà Nẵng, điểm thi đặt tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; Nghệ An thi tại Trường Đại học Vinh; Thanh Hóa thi tại Trường Đại học Hồng Đức; Hải Phòng thi tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam; Nam Định thi tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định; Thái Nguyên thi tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Tài chính Thái Nguyên.
Thí sinh dự thi làm bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, trong thời gian 195 phút. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. Đề thi bao gồm 2 phần trắc nghiệm: phần bắt buộc và phần tự chọn. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỉ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó. Cơ cấu kiến thức trong phần bắt buộc được phân bổ như sau: 10% kiến thức trong chương trình lớp 10; 20% kiến thức trong chương trình lớp 11; 70% kiến thức trong chương trình lớp 12. Phần tự chọn, thí sinh chọn 1 trong 2 nội dung: Kiến thức Khoa học Tự nhiên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Kiến thức Khoa học Xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Sau thời gian 2 phút, nếu thí sinh không chọn một trong hai nội dung, máy tính sẽ mặc nhiên chọn nội dung Khoa học Tự nhiên. Thí sinh cần lưu ý chọn phần tự chọn cho phù hợp với yêu cầu xét tuyển của đơn vị đào tạo dự kiến đăng ký xét tuyển.
Với các thí sinh đăng ký dự thi ngoại ngữ, bài thi cũng được làm trên máy tính, gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian làm bài 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị trong năm dự thi. Thí sinh sẽ biết kết quả bài thi đánh giá năng lực và bài thi ngoại ngữ ngay sau khi kết thúc bài thi. Kết quả này có giá trị để đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội và vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có công bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực và đã được Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi đánh giá năng lực được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.
Khi thực hiện bài thi đánh giá năng lực, thí sinh cần đăng nhập tài khoản dự thi (phiếu tài khoản của thí sinh được phát tại phòng thi) để thực hiện làm bài thi trên máy tính. Thí sinh lưu ý, làm lần lượt từng phần, sau khi kết thúc phần 1 thì thí sinh mới được làm phần 2, kết thúc phần 2 mới được làm phần 3 và thí sinh không thể quay lại các phần đã kết thúc để làm lại. Thí sinh được tự do thay đổi phương án lựa chọn (với các câu hỏi lựa chọn) hay nhập lại giá trị tính toán (đối với các câu hỏi điền giá trị) trong thời gian làm bài của từng phần thi. Thí sinh không thể cố tình làm lại bài thi từ đầu, chẳng hạn bằng cách đăng nhập lại từ đầu hoặc bằng bất cứ cách nào. Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy tính hay những bất thường khác thì cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi.
Năm 2016, có thêm 8 trường ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển gồm: Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Trãi, Trường Đại học Thủ Đô, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng và Trường Đại học Hòa Bình./.