Các trường nỗ lực thu hút thí sinh

08:52, 01/09/2016

Kết thúc xét tuyển đợt 1 của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) mới chỉ có trên 5.500 thí sinh (TS) xác nhận nhập học, đạt gần 50% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016. Có nhiều nguyên nhân khiến các trường thành viên tuyển sinh khó khăn, trong đó có tình trạng TS “ảo”.

Trong thời gian xét tuyển sinh đợt 1 (từ ngày 1 đến 21-8), ĐHTN mới chỉ tuyển được trên 5.500 sinh viên, đạt gần 50% chỉ tiêu. Vì vậy ngay từ ngày 21 đến 31-8, ĐHTN phải tiến hành xét tuyển bổ sung. Để bảo đảm đủ chỉ tiêu, nhiều ngành đã hạ ngưỡng điểm điều kiện nộp hồ sơ xuống bằng điểm sàn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (15 điểm). Nhưng đến hết ngày 29-8, các trường vẫn trong trạng thái “ngóng” tìm TS. Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) mới có hơn 900 TS đến xác nhận nhập học/1.520 chỉ tiêu; Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh (KT&QTKD) có gần 700 em/1.500 chỉ tiêu; Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (KTCN) có 1.200 em/1.820 chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học có 600 em/1.300 chỉ tiêu; Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông có trên 500 em/1.500 chỉ tiêu; Trường ĐH Nông lâm có trên 600 em/2.250 chỉ tiêu; Khoa Quốc tế có 100 em/200 chỉ tiêu; Khoa Ngoại ngữ có 400 em/740 chỉ tiêu. Riêng Trường ĐH Y - Dược tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Mặc dù điểm trúng tuyển có thấp hơn so với năm 2015 mỗi ngành 1 điểm (Y đa khoa 23 điểm, Y tế điều dưỡng 22 điểm) song tính cạnh tranh vẫn rất cao (1 “chọi” 3,5). Như vậy, chất lượng đầu vào vẫn ở mức cao như tốp các trường đại học y - dược trong cả nước và tương đương năm 2015. Cá biệt có một số ngành của Trường ĐHKTCN dù chỉ tiêu mới đạt 80% nhưng cũng xác nhận không tuyển bổ sung, như: Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật cơ, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

 

Khó khăn nhất trong việc tiếp nhận tuyển sinh vẫn là vấn đề TS “ảo”. Nhiều TS vẫn đợi chờ, chưa đăng ký xét tuyển, hoặc đăng ký, nhưng chưa đến làm thủ tục xác nhận nhập học thì không thể kiểm soát được. Thực tế, đợt 1, mỗi TS có hai nguyện vọng, mỗi nguyện vọng được lựa chọn hai ngành, như vậy khi nguyện vọng 1 trượt ngành thứ nhất, TS còn có lựa chọn ngành thứ hai. Chỉ khi nguyện vọng 1 không khả thi thì nguyện vọng 2 mới được các em lưu tâm. Chính vì vậy, tâm lý không vội đã kéo dài thời gian chờ hồ sơ xét tuyển. Bên cạnh những trạng thái tâm lý thăm dò khi tham gia xét tuyển, năm nay, ĐHTN còn có trên 3.000 chỉ tiêu xét tuyển sinh theo học bạ của học sinh sau khi đã tốt nghiệp THPT. Mỗi TS khi chưa tốt nghiệp THPT thì chỉ có 1 đến 2 nguyện vọng tham gia xét tuyển vào các trường chỉ xét theo học bạ, khi có kết quả tốt nghiệp THPT khá cao, nhất là một số trường ngay đợt đầu xét tuyển đã đưa điểm điều kiện nộp hồ sơ bằng điểm sàn, nên các em đã cùng lúc tham gia xét tuyển hai hình thức. Mặt khác, việc xét tuyển theo học bạ lại được nhiều trường, nhiều ngành áp dụng, nên mỗi TS có thể in sao nhiều bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển ở nhiều trường. Chính điều này khiến công tác xét tuyển ở các trường trở nên phức tạp và nhiều ngành đào tạo phải trực tiếp liên lạc với TS, tư vấn tuyển sinh… tạo tâm lý “thầy tìm trò”, TS cảm thấy dễ dãi việc nhận hoặc từ chối vào đại học. Nhiều tên TS xuất hiện cả 4-5 trường xin đăng ký xét tuyển, khi trúng truyển thì thờ ơ và khiến các trường khó khăn và tìm cách đưa TS “ảo” thành TS thật với trường mình, ngành mình…

 

Nhận định về đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho rằng, nếu các trường không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỷ lệ “ảo” đợt 2 sẽ còn cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi TS được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết tỷ lệ “ảo” sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng phân tích: “Trong số gần 400 nghìn TS đã đăng ký xét tuyển đại học trong cả nước, mới chỉ có 200 nghìn TS nộp phiếu chứng nhận kết quả, vậy còn gần 200 nghìn TS nữa đi đâu? Đây là một câu hỏi đau đầu với các nhà tuyển sinh. Đây là một cuộc "chơi xổ số” với các trường đại học, bởi tuyển sinh đợt bổ sung này “nguy hiểm” hơn rất nhiều đợt xét tuyển đầu. TS có nhiều nguyện vọng, sẽ lựa chọn theo ngành học, theo thương hiệu của các trường vì thị trường hiện nay tỷ lệ cử nhân, kỹ sư thất nghiệp nhiều nên TS cũng cân nhắc việc học đại học và chọn học nghề nhiều hơn.

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP: “Tâm lý TS không thích xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không thích nguyện vọng 2 nên chưa chắc trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung này có trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường tốp trên đã phải xét tới nguyện vọng bổ sung thì các trường tốp dưới càng “chết” nữa. Nếu trong trường hợp lấy điểm chuẩn thấp thì tỷ lệ chất lượng sẽ kéo theo. Chia sẻ về vấn đề xác định TS trúng tuyển “ảo”, Tiến sĩ Trần Quang Huy, Trường ĐHKT&QTKD cho rằng: “Năm nay, TS được đăng ký 4 nguyện vọng, bằng 2 trường nhân 2 nguyện vọng mỗi trường. Nếu chỉ tiêu là 100, về toán học phải gọi 400 em, nhưng vì chọn 2 nguyện vọng trong 1 trường nên phải gọi ít nhất là 200 để tuyển 100 em. Những TS nào khá giỏi thì chắc rằng họ đỗ cả 4 nguyện vọng nên giá trị “ảo” sẽ càng tăng lên”.

 

Đối với TS, sau khi đã nộp hồ sơ, phiếu điểm xác nhận vào học, những ngay trong đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, do nhiều trường và các ngành đều giảm điểm điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn, thấp hơn điểm trúng tuyển từ 2-3 điểm, như một số ngành Toán, Văn của Trường ĐHSP, hoặc Luật của ĐH Khoa học… dẫn đến TS tiếc nuối và tạo sức ép xin rút hồ sơ. Tuy nhiên, TS đang nhầm lẫn giữa điểm điều kiện xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Rút hồ sơ, đồng nghĩa với việc TS vi phạm Quy chế. Tâm lý “tiếc” và muốn đổi nguyện vọng còn phản ánh sự ảo tưởng trong việc lựa chọn trường, lựa chọn ngành nghề học trước khi đăng ký tuyển sinh.