Đại học giảm sức hấp dẫn, học sinh chọn học nghề

09:17, 10/09/2016

Học đại học không còn là sự ưu tiên lựa chọn duy nhất với phụ huynh và học sinh, khi các cử nhân tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn, hoặc thu nhập thấp. Kết thúc tuyển sinh đợt hai, các trường thuộc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) mới chỉ tuyển được gần 70% chỉ tiêu. Nhiều học sinh đạt điểm vào đại học đã từ chối nhập học và quyết định vào học các trường nghề.

Tự nhận thấy không có khả năng đỗ vào các khối của các trường đại học Công an, Quân đội và Y - Dược, nên Trần Văn Phương, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) chọn đi học nghề ngay từ đầu, mặc dù Phương có tổ hợp xét tuyển khối A đạt 17,5 điểm. Nếu Phương chỉ sử dụng hồ sơ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp (20 điểm) thì cũng đã trúng tuyển vào một số trường trong khu vực. Phương bày tỏ rõ quan điểm: “Học đại học hay học nghề ra trường đều phải đi làm, kiếm tiền. Ở đâu có việc làm, thu nhập tốt thì theo học”. Cùng quan điểm với Trần Văn Phương, tân sinh viên Trần Xuân Vũ, đến từ T.P Điện Biên Phủ là 1 trong nhiều thí sinh ở ngoại tỉnh lựa chọn theo học ngành công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc Phòng. Theo Vũ: “Công nghệ ô tô đang là 1 trong những ngành có nhu cầu lao động khá cao…. Tin rằng sau khi học xong em sẽ không quá khó khăn để tìm được việc làm với mức lương tốt. Vì thế ngay sau khi tốt nghiệp THPT, dù đủ điều kiện vào một số trường đại học, nhưng em quyết định đến Thái Nguyên để theo học trường nghề".

 

Thực tế có thể thấy trong những năm gần đây, nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học đã phải giấu bằng đại học để xin làm công nhân, hoặc đi đào tạo lại diện học nghề sau khi được tuyển dụng. Với những suy nghĩ thực tế hơn, có thể nhiều em đã từ chối môi trường đại học để chuyển qua học nghề, dù số điểm kỳ thi THPT quốc gia của mỗi em đủ điều kiện học một trường đại học trong nước. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho nguồn tuyển sinh đại học năm nay trở nên khó khăn. Được biết, kỳ tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng nghề số 1 - Bộ quốc phòng có kế hoạch tuyển sinh trên 5 nghìn chỉ tiêu ở 21 ngành nghề đào tạo thuộc các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đến thời điểm hiện tại Nhà trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu. Nhiều ngành nghề đào tạo đang có xu hướng phát triển như công nghệ ô tô, kỹ thuật dược, lái xe, điện tử công nghiệp đã tuyển đủ chỉ tiêu từ ngày 15-8.

 

Đối với Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cùng thời điểm này những năm trước, Trường vẫn đang loay hoay với bài toán tuyển sinh, thậm chí chỉ đạt 60% chỉ tiêu, thì năm nay Nhà trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu ngay trong tháng 8. Năm học mới Nhà trường tiếp nhận gần 500 học sinh khóa 13 đến nhập trường. Các học sinh chủ yếu đến từ các địa phương trong tỉnh, theo học 12 nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động cao trên thị trường như hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cấp thoát nước. Theo Ths.Lê Thị Bích - Hiệu trưởng nhà trường: “Năm nay có đến gần nửa số thí sinh nhập trường có điểm tốt nghiệp đủ điều kiện vào đại học, điều đó có thể chất lượng đầu vào các trường cao đẳng, trung cấp nghề được tăng lên. Quan trọng hơn là xã hội đã nhìn nhận đúng thực tế bức tranh về lao động, việc làm, cũng như cơ cấu về lao động trong xã hội”.

 

Cùng chia sẻ những tín hiệu vui trong tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp nghề, các trường: Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, Cao đẳng Cơ khí Luyện kim… đều đã tiếp nhận được trên 80% học sinh, sinh viên theo chỉ tiêu năm 2016. Đặc biệt nhóm đào tạo nghề được đa số các em học sinh lựa chọn với mục đích ra trường có việc làm ngay, hoặc cơ hội tìm việc dễ hơn trong các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động…

 

Đối với các trường đại học thuộc ĐHTN, kết thúc đợt tuyển sinh thứ hai (9-9-2016) các trường mới chỉ tiếp nhận được 60-70% chỉ tiêu. Trường Đại học Sư phạm đến thời điểm này mới nhận được gần 1.000 sinh viên/1.500 chỉ tiêu; Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tiếp nhận được gần 1.400/1.800 chỉ tiêu; Đại học Nông lâm nhận được 1.300/2.200 chỉ tiêu; các trường còn lại đều mới chỉ tuyển sinh được trên 60% chỉ tiêu. 

 

Tuyển sinh năm 2016 đã đến giai đoạn cuối, hầu hết các trường đại học, cao đẳng cũng đã tiên lượng được số sinh viên nhập học cho năm học 2016-2017. Trước những kết quả tuyển sinh này có thể thấy những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai trong xã hội đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Đây là tín hiệu đáng mừng khi lực lượng lao động trong tương lai đã chủ động tự phân luồng ngay từ bây giờ. Những thay đổi này cũng sẽ góp phần cải thiện tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” của giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế.