Đổi mới thi cử

16:38, 21/09/2016

Sau nhiều năm ổn định với kỳ thi đại học “3 chung” thì 2 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Từ 4 đợt thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh ĐH-CĐ mỗi năm trước đây, nay chỉ còn một kỳ thi duy nhất với hai mục đích. Việc tổ chức một kỳ thi với hai mục đích như hiện nay được Bộ GD-ĐT khẳng định là thực hiện theo đúng Luật Giáo dục quy định xét tốt nghiệp THPT và đúng Luật Giáo dục Đại học quy định quyền tự chủ tuyển sinh của các nhà trường.

Hai năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết tâm thực hiện đổi mới tuyển sinh, trong đó có cả thi tuyển và xét tuyển. So với trước đây, kỳ thi THPT Quốc gia “hai trong một” đã giảm gánh nặng thi cử khá nhiều. Nhưng tồn tại của kỳ thi này chính là ở khâu xét tuyển ĐH-CĐ. Nếu như năm 2015 việc xét tuyển ĐH-CĐ trở nên hỗn loạn cho thí sinh qua việc nộp - rút hồ sơ, thì năm 2016 nhiều trường ĐH-CĐ lại  gặp khó vì thí sinh ảo. Chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học mà các trường top đầu như y dược, ngoại thương… lại phải hạ điểm trúng tuyển để xét tuyển đợt 2 cho đủ chỉ tiêu.

 

Dù Kỳ thi đã triển khai được 2 năm, xã hội vẫn chưa thực sự tâm phục, khẩu phục với phương án này. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về phương án thi cử, xét tuyển. Phổ biến nhất là băn khoăn khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ khác nhau. Đó là chưa kể, với thực tế xét tuyển còn nhiều rối rắm, bất hợp lý trong 2 mùa tuyển sinh càng khiến xã hội băn khoăn.

 

Thực tế cho thấy, Luật Giáo dục Đại học đã quy định rất rõ: Các trường tự chủ trong tuyển sinh, có thể thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Nhưng khi thực hiện, Bộ GD-ĐT lại can thiệp quá sâu vào chuyện xét tuyển của các trường. Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã can thiệp khi quy định nộp 4 nguyện vọng trong cùng một trường, đồng thời liên tục chỉ đạo các trường công bố thông tin số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào từng ngành, cho phép thí sinh rút hồ sơ… Năm 2016 tái diễn tình trạng ảo khi đợt 1 quy định mỗi thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 ngành; đợt xét tuyển thứ 2 mỗi thí sinh được nộp 3 trường, mỗi trường 2 ngành. Thí sinh không trúng tuyển, nhiều trường vẫn nhắn tin, gọi điện mời nhập học. Thậm chí còn diễn ra tình trạng tranh giành thí sinh giữa một số trường công lập với nhau chỉ vì sợ không tuyển đủ chỉ tiêu...

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo về một số phương án thay đổi kỳ thi THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 để xin ý kiến góp ý. Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các sở GD-ĐT làm dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Cách thức ra đề thi cũng dự kiến sẽ theo các dạng bài thi tổng hợp với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội (KHXH) và khoa học tự nhiên (KHTN). Ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi KHXH hay KHTN để làm bài.

 

Như vậy, chắc chắn năm học này, học sinh tiếp tục là đối tượng chịu tác động của việc đổi mới thi cử, xét tuyển. Nếu dự kiến giao cho các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp được triển khai thì có thể thuận tiện hơn cho thí sinh, các địa phương, bởi đó vốn là mong muốn của địa phương và xã hội mấy năm gần đây. Nhưng đề thi tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT ra hay do các sở GD-ĐT ra, đề thi vẫn theo truyền thống là chia thành các môn hay có bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… là điều cần tiếp tục tính toán, lấy ý kiến một cách thận trọng. Kỳ thi tuyển sinh theo phương án nào: giao hoàn toàn cho các trường tự tổ chức hay Bộ GD-ĐT vẫn đứng ra tổ chức kỳ thi chung… Đây là vấn đề rất quan trọng.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu năm 2017 Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi “hai trong một” thì Bộ phải dừng việc can thiệp quá sâu vào kỹ thuật xét tuyển của các trường ĐH-CĐ, chỉ nên quy định chung về điểm sàn, thời hạn và đợt xét tuyển, cấp phiếu điểm tương ứng với số đợt xét tuyển để thí sinh tham gia xét tuyển. Thí sinh đã trúng tuyển thì không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Nếu Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở các quy định chung để đảm bảo các trường chơi đúng luật, công bằng, thì khi đó các trường dù tuyển sinh không được cũng sẽ không thể đổ lỗi cho Bộ. Và ngay từ bây giờ Bộ phải có một lộ trình cụ thể, để ít nhất là sau 3 năm, học sinh có thể nắm bắt và các trường THPT có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Ngoài việc ấn định lộ trình cho các trường ĐH-CĐ tự chủ trong thi tuyển, xét tuyển thì Bộ phải xây dựng bằng được ngân hàng đề thi. Bởi, khi có ngân hàng đề thi, thí sinh sẽ phải trải qua kỳ thi do các trường tổ chức bằng đề thi lấy từ Bộ.

 

Mục tiêu giáo dục của chúng ta là giáo dục toàn diện, các em không chỉ có kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội mà còn hướng tới sống chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng. Vì thế nên ngoài hoạt động giảng dạy, các cơ sở giáo dục cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Điều đó giúp học sinh năng động, chủ động hơn trong học tập và rèn luyện, cha mẹ phải cùng đồng hành và đặc biệt các thầy cô giáo phải luôn tìm ra giải pháp dạy học đạt hiệu quả cao nhất.

 

Hơn ai hết, học sinh vô cùng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm có phương án thi cử, tuyển sinh tối ưu, ổn định trong nhiều năm để các em yên tâm trong học tập và rèn luyện. Thực tế cho thấy, nếu Bộ vẫn cứ loay hoay với phương án đổi mới thi cử, thiếu một lộ trình dài hơi, thì câu chuyện tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ còn gặp nhiều vất vả.

 

*Dự thảo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT lên phương án tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tổng cộng còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

*Ngoài môn Ngữ Văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, bốn bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng bài trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Bài thi Toán gồm 50 câu; KHTN, KHXH có 60 câu, làm trong 90 phút. Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau để tránh quay cóp. Kỳ thi sẽ do Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì.