Nhiều thay đổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh

15:41, 18/07/2017

Ngay sau khi ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học (điểm sàn) được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố, các trường đại học, cao đẳng (nhóm ngành đào tạo giáo viên) chính thức bước vào quá trình xét tuyển. Năm nay, công tác xét tuyển có nhiều thay đổi nhằm tạo điều kiện cao nhất để các thí sinh (TS) có thể chọn được trường, ngành phù hợp năng lực, sở thích của mình.

Theo Bộ GD và ÐT, điều cần lưu ý nhất trong mùa xét tuyển năm nay là các TS được đăng ký xét tuyển (ÐKXT) không giới hạn nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng ÐKXT sau khi có điểm thi THPT. Như vậy, khi điều chỉnh nguyện vọng, TS chỉ cần xác định các ngành học yêu thích, có năng lực tham gia vào các trường đang đào tạo ngành đó; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần (nguyện vọng một là nguyện vọng kỳ vọng nhất) và đợi kết quả xét tuyển. Trong đợt một, các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) sẽ tuyển bình đẳng đối với tất cả các TS theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. TS chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Sau khi trúng tuyển, các em xác định nhập học bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi về trường trúng tuyển và mong muốn nhập học. Nếu không xác nhận nhập học thì các em vẫn được quyền tiếp tục ÐKXT các đợt bổ sung vào các trường còn chỉ tiêu. Ðợt xét tuyển bổ sung sau không bị giới hạn, số lần do các trường quy định, tuy nhiên cơ hội sẽ không còn nhiều như xét tuyển đợt một.

 

PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Ðại học (Bộ GD và ÐT) cho biết: Năm 2017 là năm thứ ba của quá trình đổi mới tuyển sinh theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Trong đó, đáng chú ý là việc đổi mới kỳ thi THPT là không được gây "sốc" đối với cả TS và các trường, bảo đảm tính kế thừa và khắc phục những hạn chế từ các năm trước nhằm hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho TS. Bên cạnh đó, điều kiện ứng dụng CNTT cho tuyển sinh cũng ngày càng hiệu quả… Do vậy, quy chế tuyển sinh ÐH, CÐ năm nay đã quy định TS có quyền ÐKXT hoặc điều chỉnh nguyện vọng, không bị giới hạn nguyện vọng. Những thay đổi này không chỉ giúp TS tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào ÐH, CÐ mà quan trọng hơn là có thể giúp TS chọn được ngành nghề mình yêu thích phù hợp năng lực của mình.

 

Chung quanh việc cho phép TS được đăng ký nhiều nguyện vọng có thể gây nên tình trạng TS ảo, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, năm 2017, CNTT được ứng dụng triệt để hơn cho công tác tuyển sinh. Bộ GD và ÐT đã hỗ trợ các trường xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, các phần mềm xét tuyển, lọc ảo để các trường lựa chọn sử dụng, bảo đảm cho mỗi TS được ÐKXT nhiều nguyện vọng, nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Sau khi TS trúng tuyển vào một nguyện vọng thì sẽ không xét tiếp các nguyện vọng khác. Hiện, các trường được tự chủ ở mức cao, cho nên bên cạnh việc sử dụng phần mềm lọc ảo chung, nhiều trường có chung nguồn tuyển (các trường ở khu vực phía bắc, phía nam đã tự phối hợp, cùng tạo nhóm để xét tuyển). Các trường trong nhóm được lọc ảo nhóm bằng phần mềm riêng trước khi chạy chung phần mềm của toàn hệ thống. Các năm trước, ngoài việc đăng ký các môn thi tốt nghiệp, học sinh cũng đã đăng ký thêm các môn tự chọn phù hợp để tham gia xét tuyển vào các trường có nguyện vọng học. Còn năm nay, cùng với việc lựa chọn môn thi trong kỳ thi THPT thì các em được ÐKXT vào các trường dự định sẽ tham gia xét tuyển. Sau khi có kết quả thi THPT, nếu thí sinh thấy kết quả không tương đương với dự kiến ban đầu thì có thể điều chỉnh nguyện vọng giúp tăng thêm cơ hội trúng tuyển, nhưng điều quan trọng hơn là có thể chọn được ngành nghề mình yêu thích phù hợp năng lực bản thân.

 

Giải đáp băn khoăn cho rằng số lượng nguyện vọng đăng ký không giới hạn làm cho các trường phải xử lý dữ liệu tuyển sinh nhiều lần, cũng như việc tập trung nhiều thí sinh điểm cao ở mức từ 21 đến 23 điểm, có thể khiến một số trường khó tuyển sinh, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: Phổ điểm của từng môn và của từng tổ hợp đã được phân tích công khai ngay sau khi có điểm thi. Hầu hết phổ điểm của các môn thi, bài thi và của các tổ hợp đều có tính phân loại cao, không có hiện tượng tập trung nhiều thí sinh điểm cao ở mức 21 đến 23 điểm… Việc cho các TS ÐKXT từ khi đăng ký dự tuyển không phải là cách làm hoàn toàn mới mà chỉ là chính thức hóa việc chọn trường của các em từ khi chọn môn thi, giúp các em sớm đặt ra mục tiêu phấn đấu, tập trung đầu tư vào những môn học đã được xác định, tập trung phạm vi quan tâm tìm hiểu thông tin về trường, ngành ÐKXT… một cách hiệu quả hơn. Các trường có kế hoạch phù hợp dự kiến số lượng nguyện vọng ÐKXT để có thời gian chuẩn bị, phục vụ các TS tốt hơn; có kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển, lực lượng giảng viên… phù hợp thực tế tuyển sinh. Quy chế tuyển sinh được xây dựng trên cơ sở có sự tham gia của nhiều trường ÐH, quy định này được đưa vào theo sáng kiến của chính các trường và được lấy ý kiến rộng rãi; được phần lớn các trường ủng hộ bởi tạo ra sự chủ động trong tuyển sinh.

 

Theo kế hoạch tuyển sinh, cơ sở dữ liệu được chốt vào ngày 25-7 và các trường, nhóm trường có sáu ngày để xét tuyển. Hiện đang trong thời gian TS điều chỉnh nguyện vọng, nhưng theo quy định các em chỉ được quyền điều chỉnh một lần duy nhất. Vì vậy, các TS khi điều chỉnh nguyện vọng phải tìm hiểu kỹ các thông tin trong Ðề án tuyển sinh của từng trường đã được công bố công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD và ÐT hoặc trang thông tin điện tử của trường,... tránh trường hợp khi điều chỉnh nguyện vọng vào các trường không phù hợp điểm thi, không đủ điều kiện do chưa tham gia sơ tuyển hoặc thi năng khiếu, đánh giá năng lực hoặc không bảo đảm ngưỡng điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của trường. Ðể bảo đảm có cơ hội trúng tuyển cao nhất, ngoài việc chọn ngành, trường ÐKXT phù hợp với năng lực và sở trường cá nhân, TS nên chọn nguyện vọng theo ba nhóm: nhóm có điểm trúng tuyển các năm phù hợp với năng lực, nhóm có điểm chuẩn cao hơn một chút so với năng lực và nhóm có điểm thấp hơn để đề phòng rủi ro.