Tuyển sinh đại học năm 2017: Cộng điểm ưu tiên liệu có công bằng?

08:58, 05/08/2017

Dư luận lại tiếp tục “nóng” lên xung quanh vấn đề cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển sinh đại học ngay sau khi các trường công bố kết quả trúng tuyển. Nhờ được cộng điểm ưu tiên may mắn đỗ vào đại học ngành “hot”, thủ khoa nhưng thực chất còn chưa đủ điểm trúng tuyển…điều này đã khiến nhiều thí sinh tiếc nuối khi không đạt được nguyện vọng của mình vì điểm cộng không phản ánh thực chất năng lực cá nhân.

Chia sẻ về câu chuyện kém may mắn trong mùa tuyển sinh năm nay, thí sinh Nguyễn Hồng Vân, lợp chọn của Trường THPT Chu Văn An, T.P Thái Nguyên cho biết: “Em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Y Đa khoa, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, nhưng điểm thi thực tế ba môn của em chỉ đạt 26,35 (Toán 8, Hóa 10, Sinh 8,35), ở khu vực T.P Thái Nguyên được cộng thêm 0,5 điểm khu vực nên tổng điểm tham gia xét tuyển của em đạt 26,85, theo Quy đinh cách làm tròn điểm số thì em chỉ đạt 26,75, trong khi điểm trúng tuyển năm nay là 27. Vẫn biết điểm số trên là phản ánh đúng năng lực bản thân, nhưng cách làm tròn điểm như vậy bản thân em đã bị thiệt. Tất nhiên mức điểm này em vẫn đỗ vào Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên, nhưng chưa phải đúng nguyện vọng ngành nghề mình lựa chọn”.

 

Còn thí sinh Phạm Thanh Hoa, cũng là học sinh Trường THPT Chu Văn An T.P Thái Nguyên thì tiếc nuối khi chỉ đạt điểm thi ba môn tham gia xét tuyển là 26 điểm, cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên khu vực mới đạt 26,5, trong khi điểm trúng tuyển ngành Răng hàm mặt lại là 26,75. Hoa tâm sự: “Cách làm tròn điểm khiến nhiều bạn được hưởng lợi kép, khi bạn đó đã được cộng điểm ưu tiên khu vực rồi lại được làm tròn tăng lên. Ví dụ có trường hợp thí sinh ở huyện Định Hóa đăng ký xét tuyển điểm tổ hợp ba môn Toán, Hóa, Sinh chỉ đạt 23,45 điểm, nhưng bạn đó được cộng điểm ưu tiên khu vực thêm 3,5 điểm thành tổng điểm 26,95, được làm tròn thành 27 điểm và đỗ vào ngành Y Đa khoa.

 

Trên thực tế ngành Y Đa khoa yêu cầu điểm cao và cần năng lực học tập giỏi, nhưng cách cộng điểm và làm tròn này đã không phản ánh đúng năng lực học tập của cá nhân”. PGS,TS Đặng Văn Hùng, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho hay: “Với mùa tuyển sinh mà điểm cao kỷ lục như năm nay, việc cộng điểm ưu tiên, tiêu chí phụ và làm tròn điểm đã khiến nhiều thí sinh mất đi cơ hội vào ngành học mong muốn”.

 

Điểm cộng ưu tiên, điểm làm tròn đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi một số thí sinh, khi không phản ánh đúng năng lực thực chất, giả sử những thí sinh sống ở thành phố, không được ưu tiên khu vực cũng không được ưu tiên dân tộc thiểu số, có cố gắng thế nào đi chăng nữa, có đạt điểm cao (từ điểm 8, đến điểm 10 trong tổ hợp ba môn xét tuyển) cũng không bao giờ “mơ” vào đại học theo đúng nguyện vọng. Chính điều này đã nảy sinh tình huống thí sinh Triệu Thị Thư, xã Thanh Định, huyện Định Hóa chỉ đạt 26,5 điểm tổng 3 môn đăng ký xét tuyển (thấp hơn 0,5 điểm so với điểm trúng tuyển ngành Y Đa khoa), nhưng nhờ yếu tố cộng điểm ưu tiên khu vực thêm 3,5 điểm và nghiễm nhiên trở thành thủ khoa với mức điểm trúng tuyển là 30 điểm.

 

Chị Vũ Thị Phượng, trú tại tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên mặc dù có con đỗ vào Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên năm nay, nhưng sau khi theo dõi kết quả xét tuyển và điểm trúng tuyển đã thẳng thắn nhận định: “Việc chúng ta đem điểm cộng để so sánh ai giỏi hơn ai, từ đó quyết định kẻ đỗ, người trượt là điều không hợp lý. Điều đó sẽ dẫn đến việc chúng ta đã tước đi có hội phát triển của những nhân tài thực sự”.

 

Cùng quan điểm trên, thí sinh Lê Thái Hà, tổ 31, phường Pham Đình Phùng, T.P Thái Nguyên cho hay: “Em đã tốt nghiệp THPT năm trước và không đủ điểm đỗ vào Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên, năm nay em tiếp tục thi và may mắn đã đủ điểm vào đúng nguyện vọng mình theo đuổi từ nhiều năm. Tuy nhiên, em thấy thật sự bất công vì đâu phải cứ ai sinh ra ở các thành phố như Hà Nội hoặc Thái Nguyên là không khó khăn. Cách cộng điểm ưu tiên, làm tròn đôi khi thiếu 0,25 đến 0,5 điểm đã làm mất đi bao nhiêu công sức học tập của thí sinh, mà chỉ vì là "dân thành phố". Bản thân em học ở thành phố nhưng bố mẹ em cũng chỉ là những người lao động bình thường. Gần chục năm nay mẹ đi bán hàng ăn sáng và trà đá ngoài phố, bố làm công nhân luyện cán thép. Kinh tế nhà em cũng khó khăn nên không có điều kiện đi học thêm nhiều. Em nghĩ, nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn mà học tốt, chỉ vì thiếu hoặc không có điểm ưu tiên mà không vào được đại học theo ngành mong muốn quả là rất đáng tiếc”.

 

Chính sách ưu tiên cho những thí sinh vùng nghèo khó, con những gia đình có công là phải có nhưng nên dành những ưu tiên khác cho họ, như không thu học phí, hỗ trợ hộc bổng, ưu tiên chỗ ở… Còn ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển vào đại học, có lẽ chưa chuẩn với thang bậc của tri thức. Và như vậy sẽ có nhiều cháu giỏi hơn bị các cháu không giỏi bằng đánh bật ra.



Khóa học luyện thi ielts