Thời gian điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sinh đại học và cao đẳng (ĐHCĐ) chính thức kết thúc vào chiều ngày 31-7. Rất nhiều thí sinh chưa thực sự an tâm với nguyện vọng (NV) đã đăng ký ban đầu, sau khi có kết quả điểm thi tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, không có sự tính toán kỹ lưỡng thí sinh sẽ mất đi cơ hội chọn ngành nghề mình yêu thích, thậm chí mất cơ hội vào đại học.
Quy chế xét tuyển sinh ĐHCĐ năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số NV mà thí sinh có thể đăng ký. Tuy nhiên, nếu thí sinh trúng tuyển NV đầu tiên thì sẽ không được xét tiếp các NV sau. Trong trường hợp thí sinh trượt NV1 nhưng đủ điểm cả NV2 và NV3 thì thí sinh chỉ được trúng tuyển vào NV2. Do vậy, các thí sinh nên đặc biệt ưu tiên khoảng 3 NV và phải theo thứ tự đam mê, sở thích. Khi đã không đam mê, không theo đuổi thì việc các em đăng ký tới 5-10 NVchẳng để làm gì. Thực tế, hàng năm số thí sinh đăng ký NV xét tuyển vào Đại học Thái Nguyên khoảng 30, đến 40 nghìn hồ sơ. Nhưng tỷ lệ đăng ký từ 10 NV trở lên chiếm từ 20-25%. Đây chính là một trong những nguyên nhân tạo ra lượng thí sinh ảo và cũng chính là nhóm thí sinh chưa xác định rõ ngành nghề, sở thích và đam mê cho công việc tương lai. Mặt khác cũng có không ít thí sinh chỉ đăng ký 1 đến 2 NV để được vào các nhóm ngành và trường Top đầu, như Y-Dược, Tự động, công nghệ ô tô…
PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn Trưởng ban Đào tạo (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Nhiều thí sinh có NV học ngành chăm sóc sức khỏe, hoặc một số ngành mà xu hướng việc tìm người…nhưng thực lực lại không đạt được về điểm sàn, nên tạo tâm lý chán nản và từ bỏ đam mê. Trên thực tế, có nhiều lĩnh vực có thể tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe mà rất cần nhân lực. Ví dụ: Xét nghiệm, ngành Sinh, Hóa, Chẩn đoán hình ảnh, Vật lý, kể cả xử lý môi trường…Những nhóm ngành này đều có trong các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, mà cơ hội trúng tuyển cao hơn khối ngành Y-Dược. Nếu thực sự đam mê, thí sinh cũng có thể học ngành Điện, Cơ khí, Công nghệ thông tin… những ngành này đều có thể vào làm việc ở các lĩnh vực công nghệ ô tô, hoặc các hãng sản xuất ô tô, lĩnh vực tự động hóa…Còn về khối ngành xã hội, nhiều thí sinh lo lắng về công việc tương lai với lĩnh vực Văn, Sử, Địa… Nhưng có kiến thức tốt thì ngay như ngành Du lịch khi chưa tốt nghiệp đã có đơn đặt hàng tuyển dụng. Hoặc như báo chí, truyền thông cũng rất cần nhân lực mà không chỉ doanh nghiệp, ngay cả khối các cơ quan nhà nước cũng cần ở vị trí việc làm này. Vấn đề là thí sinh phải xác định rõ học để làm gì thì hãy đăng ký NV. Một số thí sinh lựa chọn nghề nghiệp theo con đường cha truyền, con nối…Nghĩa là gia đình có người thân học và đang làm nghề nào đó rồi dự định sau khi nghỉ sẽ chuyển lại cho con, cháu nối nghiệp…Nhưng thực sự những nội dung đào tạo ngày nay đã khác trước đây nhiều, đòi hỏi người học phải chuyên sâu và cập nhật công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy lựa chọn nghề nghiệp và chọn NV ngành học cũng phải phù hợp với sở thích, xu hướng vận động của xã hội”.
Theo Th.S Nguyễn Tiến Dũng, Trường Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên): “Các em nên dựa trên cơ sở tương quan lực học và điều kiện hoàn cảnh gia đình để có sự lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở trường. Sau khi đã lựa chọn được ngành học rồi, các em nên xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 cho đến hết. Nếu như ngành nghề theo thứ tự ưu tiên đã đúng rồi thì các em chỉ cần ngồi đợi kết quả. Bởi vì cơ chế tuyển sinh sẽ xét theo thứ tự ưu tiên. Nếu không trúng NV1, sẽ chuyển xuống NV2 và NV3… Khi xét tuyển thì tất cả các NV đều bình đẳng với nhau về điểm số. Vì vậy, các em không quá lo lắng khi thay đổi NV. Quan trọng là chúng ta có chọn được ngành học, trường học phù hợp hay không; có xếp được thứ tự ưu tiên hay không?”.
Để có cơ hội trúng tuyển cao và phù hợp với ngành nghề lựa chọn cho tương lai, theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hà (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên): Thí sinh nên điều chỉnh NV ưu tiên đầu tiên là các ngành/trường phù hợp nhất với mình và có thể điểm hàng năm cao hơn mức điểm của mình một chút, tiếp theo là các NV phù hợp và có điểm hàng năm gần với điểm của mình và sau đó là các nguyện vọng phù hợp và có điểm hàng năm thấp hơn điểm thi của mình. Thí sinh nên cân nhắc đăng ký NV theo 3 nhóm trường dựa vào điểm trúng tuyển các năm trước: Nhóm cao hơn, nhóm phù hợp và nhóm thấp hơn so với năng lực thực tế của bản thân. Tuy nhiên, cả 3 nhóm trường phải cùng vào ngành học mình yêu thích, trong đó NV đầu tiên là ngành yêu thích nhất. Khi đó cơ hội trúng tuyển vào các ngành/trường phù hợp nhất với mức điểm chênh lệch so với điểm thi của mình không nhiều.