Thời gian qua, do nguồn vốn hạn chế và tổng chiều dài các tuyến đường ngày càng tăng nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. Điều này, khiến một số tuyến đường nhanh bị xuống cấp, hư hỏng, làm giảm thời gian và hiệu quả khai thác…
Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông của Thái Nguyên được đầu tư xây dựng khá đồng bộ cả ở khu vực nông thôn và đô thị. Nhờ vậy đã góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa của người dân. Hiện nay, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) được giao quản lý gần 400km đường tỉnh, ủy thác quản lý 168km chiều dài các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn.
Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, một số tuyến (ĐT.263C, ĐT.269D và ĐT.273) được bàn giao, sửa chữa, nâng cấp thành đường tỉnh, nên tổng chiều dài các tuyến đường đơn vị được giao quản lý tăng lên khoảng 80km so với giai đoạn 2010-2015. Với tổng chiều dài các tuyến đường giao thông như vậy thì ước tính nhu cầu về kinh phí quản lý, duy tu, sửa chữa là khoảng 300 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn được phân bổ hiện nay chỉ ở mức 130-150 tỷ đồng/năm, đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu thực tế. Vì vậy, công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định về bảo vệ hạ tầng giao thông, cứ 3 năm, với mỗi tuyến đường, các đơn vị tiến hành sửa chữa nhỏ/lần, 5 năm sửa chữa lớn/lần. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công tác bảo trì, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tuyến ĐT.264, đoạn từ xã Phú Thịnh (Đại Từ) đi Quán Vuông, xã Trung Hội (Định Hóa) được đầu tư xây dựng đã gần 15 năm, nhưng do không có kinh phí bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều đoạn đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Đến đầu năm 2021, Sở GTVT mới được bố trí được hơn 5 tỷ đồng để sửa chữa tuyến đường này.
Ông Vũ Hồng Quang, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT thông tin: Trong điều kiện nguồn vốn được phân bổ hạn chế, hàng năm, Sở đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mức độ xuống cấp, hư hỏng trên những tuyến đường do đơn vị quản lý. Từ đó, cân đối và ưu tiên bố trí nguồn vốn sửa chữa đối với những đoạn xuống cấp, hư hỏng nặng hơn để đảm bảo giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, do thiếu vốn nên chúng tôi chỉ có thể tiến hành sửa chữa nhỏ và chia làm nhiều đợt thi công. Nhiều đoạn đường đã xuống cấp nhưng không bố trí được vốn kịp thời, đến khi tiến hành sửa chữa thì mức độ hư hỏng nặng hơn nên lại mất thêm kinh phí…
Mặc dù vậy, Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ xuống cấp các đoạn đường để tiến hành sửa chữa. Vì vậy, việc đi lại của người dân và thông thương hàng hóa trên địa bàn vẫn được đảm bảo.
Không chỉ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thiếu vốn quản lý, bảo trì, sửa chữa thường xuyên mà nhiều tuyến đường do cấp huyện quản lý cũng có chung tình trạng trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tuyến đường này hầu như không có vốn duy tu, sửa chữa hàng năm.
Ông Lao Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Võ Nhai chia sẻ: Do nguồn vốn bảo trì, sửa chữa đường giao thông của huyện rất hạn chế nên chỉ khi nào đường xuống cấp, hư hỏng nặng thì địa phương mới bố trí kinh phí sửa chữa hoặc chờ nguồn vốn từ tỉnh phân bổ về. Chẳng hạn, tuyến đường Cúc Đường - Thần Sa được thảm nhựa từ gần 10 năm trước nhưng chưa được bố trí nguồn vốn sửa chữa định kỳ nên đã xuống cấp. Gần 2 năm trở lại đây, tuyến đường đã hư hỏng nặng. Hay như tuyến đường Tràng Xá - Phương Giao cũng đã hư hỏng nặng nhưng huyện cũng chưa bố trí được nguồn vốn để sửa chữa.
Còn theo bà Trần Thị Anh Hoa, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đồng Hỷ: Do diện tích rộng nên chiều dài các tuyến đường huyện quản lý tương đối lớn. Tuy vậy, mỗi năm, địa phương cũng chỉ cân đối được khoảng 5 tỷ đồng dành cho công tác duy tu, sửa chữa. Trong khi nhu cầu vốn thực tế phải gấp từ 4-5 lần.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lưu lượng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay rất lớn, nhất là xe vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng. Cùng với đó, địa hình ở số huyện miền núi, vùng cao bị chia cắt phức tạp, các tuyến đường nằm dưới chân núi thường xuyên chịu tác động lớn của mưa lũ nên nhanh xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, việc phân bổ hợp lý nguồn vốn quản lý, duy tu, sửa chữa được coi là nhu cầu bức thiết, góp phần kéo dài thời gian khai thác và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.