Hơn 10 năm qua, hạ tầng giao thông ở Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã có những thay đổi lớn, công tác phòng tránh tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực khi giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, văn hóa giao thông vẫn chưa thực sự trở thành nền nếp trong đa số người dân. Và vấn đề xây dựng văn hóa giao thông như thế nào là nội dung trọng tâm được phóng viên Báo Thái Nguyên đề cập đến trong cuộc trò chuyện cuối tuần với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh.
Tình trạng phụ huynh học sinh không đội mũ bảo hiểm cho bản thân và con em mình khi tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. |
P.V: Đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn, đè vạch... là những vi phạm rất cơ bản mà người dân bình thường nào cũng nhận thức được, nhưng vì sao vẫn có nhiều người vi phạm, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Mỗi người vi phạm qua phân tích không phải họ không hiểu những quy tắc, quy định đã được đặt ra, tuy nhiên do thói quen tùy tiện, ý thức tự giác chấp hành pháp luật chưa tốt nên vẫn vi phạm. Khi có mặt lực lượng chức năng thì họ chấp hành tốt, nhưng khi không có thì lại sẵn sàng vi phạm. Điều này vừa làm mất đi hình ảnh đẹp về ý thức văn hóa chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, vừa dẫn đến nguy cơ mất ATGT cho chính người vi phạm và cả những người tham gia giao thông khác.
P.V: Rõ ràng, nhiều người biết vi phạm Luật Giao thông là sai. Nhưng từ biết đến tuân thủ và thực hiện thì còn một khoảng cách không nhỏ. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này? Thực tế tại Thái Nguyên ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Việc còn nhiều người chưa chấp hành tốt Luật Giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Ý thức về văn hóa giao thông chưa trở thành cái phổ quát được mọi người nhận thức và thực hiện đúng; những hành vi vi phạm chưa bị cộng đồng lên án mạnh mẽ; lượng phương tiện tham gia giao thông, vấn đề đô thị hóa và dân số tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa theo kịp…
Đối với Thái Nguyên, mặc dù tỉnh rất quan tâm phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông nhưng cũng đã xuất hiện tình trạng ùn tắc tại một số vị trí. Về ý thức tham gia giao thông, đại bộ phận người dân tự giác chấp hành tốt các quy định, song cũng còn không ít trường hợp, nhất là thanh thiếu niên, vi phạm các quy định về trật tự ATGT.
Để thay đổi về văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay là cả một quá trình cần phải được thực hiện bền bỉ, thường xuyên, liên tục và có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành. Văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh tuyên truyền không chỉ thông qua giáo dục trong nhà trường mà còn phải được đưa vào nội quy của các cơ quan, đơn vị và tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng xã hội.
P.V: Thưa ông, Năm ATGT 2023 có chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Vậy, thượng tôn pháp luật có được coi là điều cốt lõi để xây dựng văn hóa giao thông an toàn hay không? Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Bên cạnh việc chấp hành luật pháp, người tham gia giao thông còn phải quan tâm đến giá trị đạo đức, ứng xử hài hòa, văn minh... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Việc tôn trọng và tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông sẽ là cốt lõi để xây dựng thành công văn hóa giao thông.
Mỗi công dân cần góp phần xây dựng văn hóa giao thông, phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; có ý thức và tinh thần trách nhiệm khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn vì sự an toàn của người khác.
P.V: Vậy làm thế nào để từng bước xây dựng xã hội giao thông an toàn, thân thiện? Thực hiện Năm ATGT 2023, Ban ATGT tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Để xây dựng một xã hội giao thông an toàn, thân thiện cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho người dân. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT và có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, đầy đủ thiết chế về ATGT.
Đồng thời, khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý về giao thông vận tải và trật tự ATGT, trong đó có việc xây dựng giao thông thông minh và đô thị thông minh; đầu tư phát triển hệ thống giám sát giao thông; kết hợp giữa các hình thức xử lý vi phạm từ truyền thống đến xử phạt qua hình ảnh của hệ thống camera giám sát, giữa xử phạt nghiêm với tuyên truyền để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, dần dần tạo thói quen tự giác cho người dân.
Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu ban hành kế hoạch triển khai Năm ATGT 2023, trong đó xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương. Đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên đối với cả 3 tiêu chí.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin