Là người “chơi” mạng xã hội, tôi dành khá nhiều thời gian trong ngày để “lướt” Zalo, Facebook. Không khó khăn gì để tôi bỏ qua chỗ này, tìm đọc chỗ kia, mục đích là “nạp” cho mình những thông tin hữu ích. Một trong những nhóm Facebook tôi hay vào đọc là Hội OTOFUN Thái Nguyên.
Quan điểm của những người lập nhóm rõ ràng: “Là sân chơi phi lợi nhuận, nơi để các thành viên và những người đam mê ô tô, xe máy giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, vấn đề liên quan đến ô tô, xe máy, vấn đề về giao thông, cũng như sự tương tác của nó đối với đạo đức và luật pháp”. Với đa phần người dân Việt Nam ra đường bằng xe máy và ô tô như hiện nay, số người tham gia nhóm lên đến hơn 23 nghìn (thời điểm này) cũng là dễ hiểu.
Thế nhưng, để “kết” được số thành viên khổng lồ này (phần lớn không gặp mặt ngoài đời) cư xử văn minh, cùng quan điểm xây dựng, tác động tốt cho xã hội thì không phải nhóm nào cũng làm được. Với lượng “tai mắt” đông đảo, các thành viên lại di chuyển liên tục trên địa bàn rộng như Hội OTOFUN Thái Nguyên, điểm mạnh của nhóm là nhiều thông tin “nóng” về tình hình giao thông. Chỗ nào ách tắc, chỗ nào đường xấu dễ tai nạn, chỗ nào phong tỏa do dịch bệnh... chiếc camera hành trình gắn trên ô tô hoặc điện thoại di động kết nối 4G là trợ thủ đắc lực cho mọi người đưa tin nhanh và thuyết phục.
Tôi thích theo dõi và like (thích) nhiều bài phản ánh văn hóa của người tham gia giao thông. Mới thấy, đỗ xe tùy tiện đang là “vấn nạn” của nhiều ông/bà sử dụng ô tô hiện nay. Đa phần phàn nàn của nhiều "chủ tus" (kèm ảnh, video) về những chiếc ô tô đỗ chình ình trước cửa/cổng khiến người trong nhà kẹt cứng không ra/vào được; hoặc đỗ xe tùy tiện trong ngõ nhỏ, hai ô tô đỗ song song trên đường hẹp, chặn đầu, đỗ ở ngã ba, ngã tư.
Rồi thì chuyện ô tô đi buổi tối trong đô thị chiếu đèn pha chói lóa; chuyện phóng nhanh, vượt ẩu, cư xử hung hãn của một số bác tài. Mỗi tus đưa lên đều trở thành một “diễn đàn” để bình luận, phê phán, điều chỉnh hành vi và đôi khi tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Không ít chủ tus đưa bài lên để phê phán người khác nhưng sau khi được các “còm” (bình luận) phân tích, thì phần sai lại thuộc về chính mình. Hầu hết các bình luận đều chừng mực, ai vượt quá giới hạn văn minh đều bị nhắc nhở kiềm chế.
Cũng trên Hội OTOFUN, tôi thấy nhiều lái xe có hành động đẹp. Họ gửi lời xin lỗi lên nhóm do chở người cấp cứu nên đi nhanh, vượt ẩu hoặc chót va quệt mà chưa gặp được chủ xe để bồi hoàn. Họ tặng những tấm biển điện thoại cài trước kính ô tô; tận tình bảo nhau gara ô tô nào sửa chữa tốt, trạm đăng kiểm nào chất lượng; nhận mặt kẻ lừa đảo; các tình huống đỗ xe, lái xe không an toàn. Nhiều tus đọc mà tôi thấy rưng rưng ấm áp: “Đường tròn Tân Long có cái hố rất to và sâu mọi người cẩn thận nhé”; “Xe của cụ nào ra lên kính nhé”; “Xe bác nào trót quên ở ngã ba Bắc Nam thì ra nhận giùm em nhé, để đây từ chiều qua đến giờ. Đêm sợ mất em phải đẩy vào nhà”; “Còn chục bộ test nồng độ cồn, chỉ tặng không bán. Anh chị em nào có nhu cầu mời qua cửa hàng em nhận nhé”...
Không đơn thuần là sân chơi, Hội OTOFUN còn tham gia các hoạt động giúp đỡ, bảo vệ cộng đồng. Hội thành lập Đội xe phản ứng nhanh (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh) nhằm cứu hộ, cứu trợ, ứng cứu thiên tai; hỗ trợ vận tải hàng hoá khi có các chương trình từ thiện của Đội và của các tổ chức từ thiện khác.
Bạn Phùng Thương, người nhờ Đội xe chở hàng, gửi lời lên nhóm: “Thay mặt các em học sinh Trường vùng cao Võ Nhai cảm ơn Hội OTOFUN Thái Nguyên nhiều ạ! Cảm ơn em Đặng Hoàng Sơn, Phương Zen, Vũ Xuân Hồng… cùng tất cả anh chị em đã giúp chở gần 100 chiếc đệm về trường”!
Vẫn bạn Phùng Thương viết: “Xứng danh với tên Đội phản ứng nhanh, các anh chị em không những giúp đỡ chở miễn phí cứu hộ mà kiêm luôn chở bệnh nhân nghèo với giá 0 đồng, khi có sự kêu giúp chỉ trong 1 phút là “OK em ơi có xe chở bệnh nhân em nhé”, và chờ từ 8h đến 17h đưa bệnh nhân về tận nhà lại giúp bệnh nhân mang đồ vào nhà đường ruộng khó đi”…
Cuối tháng 10-2020, khi lũ lụt nặng xảy ra ở miền Trung, đoàn cứu trợ của Hội OTOFUN Thái Nguyên đã về các bản làng xa xôi, vùng đồng bào bị nước cô lập của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, mang gạo, mỳ tôm, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con. Chương trình “Xuân Vùng cao” với mục đích góp sức, hỗ trợ, ủng hộ người nghèo tại các xóm, bản vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, mang áo ấm, sách vở lên tặng học trò miền núi dịp giáp Tết được Hội OTOFUN phối hợp với các nhóm chơi xe cổ trên cả nước và một số cơ quan, đoàn thể trong và ngoài tỉnh tổ chức được duy trì nhiều năm nay.
Không chỉ lan tỏa tình thương, nhiều thành viên trong Hội còn đấu tranh mạnh mẽ với hành vi sai trái. Trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, nhiều thông tin đăng lên trang của Hội về các trường hợp trốn khai báo, trốn cách ly, chui lủi đường ngang ngõ tắt xâm nhập vào cộng đồng, đã đủ căn cứ để cơ quan chức năng xử lý. Khi tỉnh Thái Nguyên đưa nền tảng công dân số C-ThaiNguyen kết nối người dân với chính quyền, Ban quản trị Hội OTOFUN đã kêu gọi các thành viên tham gia hệ thống phản ảnh hiện trường: “Mong các cụ có camera hành trình đi đường gặp những tình huống cố tình vi phạm thì tích cực phản ánh lên C-ThaiNguyen để ý thức giao thông tại tỉnh ta ngày càng tốt hơn, mọi người tham gia giao thông được an toàn hơn. Đúng với phương châm: “An toàn giao thông - Hạnh phúc của mọi nhà”.
Hội OTOFUN Thái Nguyên có hơn 200 thành viên chính thức. Họ đóng lệ phí và có chế độ thăm hỏi ốm đau, hoạn nạn, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Còn lại các thành viên khác tham gia được điều chỉnh bằng nội quy chung. Số người “tàu ngầm” vào xem và ngẫm nghĩ như tôi chắc không ít. Khó có con số cho biết mỗi ngày có bao nhiêu nhóm được lập trên mạng xã hội. Bản thân tôi cũng tham gia một số nhóm sở thích như nấu ăn, viết văn, đọc sách, khiêu vũ… Nhưng, HỘI OTOFUN Thái Nguyên đã mang lại không ít giá trị cho cộng đồng.