Ngày 21-2, Tổng thống Pranab Mukherjee cho biết, trong năm 2013 này Ấn Độ sẽ khởi động lần đầu tiên sứ mệnh lên sao Hoả trong một nỗ lực nhằm bắt kịp trong cuộc đua không gian toàn cầu cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.
"Một số chương trình không gian đã được lên kế hoạch cho năm 2013, bao gồm cả nhiệm vụ lên sao Hỏa và khởi động chương trình thiết lập vệ tinh định vị đầu tiên của Ấn Độ", Tổng thống Mukherjee nói với Quốc hội.
Dự kiến, tháng 10 tới Ấn Độ sẽ phóng một quả tên lửa mang theo con tàu vũ trụ không người lái lên quỹ đạo hành tinh đỏ. Chi phí ước tính khoảng 83 triệu USD. Tàu vũ trụ mang thương hiệu Ấn Độ sẽ mất 9 tháng để tiếp cận sao Hỏa và sau đó là quá trình vận hành tự động trong quỹ đạo cách trái đất khoảng 500 km.
"Nhiệm vụ sẵn sàng” - Deviprasad Karnik, nhà khoa học từ Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), cho biết.
Chương trình thăm dò không gian của Ấn Độ bắt đầu vào năm 1962. Năm 2008, Ấn Độ từng phóng thành công tàu vũ trụ không người lái thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của nước này mang tên Chandrayaan-1. Ấn Độ cũng đang có kế hoạch tiếp tục phóng tàu Chandrayaan-2 để thăm dò Mặt Trăng trong thời gian tới với mục tiêu đưa một xe tự hành tiếp cận bề mặt Mặt Trăng vào năm 2014.
Trên thực tế, Chương trình lên sao Hỏa của Ấn Độ đã bị chỉ trích là tốn kém trong khi tình trạng người dân còn thiếu đói và thiếu năng lượng, và kinh tế đang trải qua suy thoái tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Nhưng chính phủ Ấn Độ từ lâu đã cho rằng phát triển chương trình không gian sẽ mang lại những ứng dụng thiết thực cho cuộc sống hàng ngày.