Vốn đam mê khoa học kỹ thuật, lại từng học tập chuyên ngành chế tạo máy tại Cộng hòa Dân chủ Ðức những năm 1976 - 1980, ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa, cụm công nghiệp Phong Phú (TP Thái Bình) nảy ra ý tưởng táo bạo thiết kế và chế tạo tàu ngầm mi-ni. Từ con số không tròn trĩnh về kiến thức đóng tàu, nhưng cuối cùng với bản lĩnh vượt khó, quyết đoán đã đem đến cho ông những thành công bước đầu.
Không phải đến bây giờ, giới khoa học và người dân mới chú ý đến ông Nguyễn Quốc Hòa. Ngay từ năm 2006, việc chế tạo thành công chiếc máy in công nghệ Fleso đầu tiên tại Việt Nam, có giá thành rẻ để in giấy vở học sinh, nhãn, mác các loại bao bì cần số lượng lớn đã khẳng định óc sáng tạo, tư duy nhạy bén trong cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất của ông. Cũng trong năm đó, với sản phẩm máy in độc đáo của mình, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Về ý tưởng táo bạo tự thiết kế và chế tạo tàu ngầm mi-ni, ông Hòa trả lời mộc mạc: Ðất nước mình có bờ biển dài hàng nghìn cây số, nếu có tàu ngầm phục vụ nghiên cứu đại dương, khai thác và đánh bắt hải sản thì rất hữu hiệu. Trong khi tiềm lực kinh tế đất nước có hạn, giá thành mua tàu ngầm do nước ngoài sản xuất cao thì cách tốt nhất là tự chế tạo.
Từ năm 2012, ông cùng với các kỹ sư trong công ty bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu trên in-tơ-nét để cập nhật các tài liệu của nước ngoài nói về quy trình đóng tàu; đồng thời bổ trợ thêm kiến thức về dòng chảy, thủy triều, Luật Hàng hải... Dành trọn một năm bổ sung kiến thức, từ đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa cùng năm kỹ sư chuyên ngành điện tử và chế tạo máy, Trường đại học Bách khoa Hà Nội (hiện đang làm việc tại công ty) bắt tay vào thiết kế và chế tạo tàu ngầm mi-ni. Trong quá trình thực hiện, nhiều khó khăn gặp phải tưởng chừng không vượt qua nổi, trong đó có công đoạn làm mũi tàu hình quả trứng. Theo ông Hòa, ở Việt Nam chưa
có một công ty nào có khả năng lốc, cuộn được mũi tàu theo dạng này. Ông và cộng sự lại miệt mài nghiên cứu để giải bài toán hóc búa, cuối cùng đã thực hiện thành công. Tính ra, cả con tàu chỉ uốn, hàn bằng công nghệ MIC CO2 trong một tháng, nhưng riêng mũi tàu các kỹ sư loay hoay hơn hai tháng mới xong. Ðến gần giữa năm, toàn bộ thân tàu đã hoàn thành với chiều dài 8,8 m, cao 3 m, chiều rộng nơi phình to nhất là 2,8 m.
Bắt đầu từ tháng 8-2013, ông Hòa tiến hành lắp đặt các thiết bị do công ty tự sản xuất cho con tàu như bảng điều khiển, hệ thống điện, các loại trục... Những chi tiết còn lại như kính tiềm vọng, hệ thống định vị vệ tinh hay ra-đa ngầm ông phải đi mua. Tàu ngầm mi-ni được ông đặt tên là Trường Sa 01 có trọng lượng gần 10 tấn. Theo thiết kế, tàu có thể lặn sâu khoảng 50 m, tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ. Tàu ngầm mi-ni sử dụng công nghệ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) để lặn, khác biệt hẳn với việc sử dụng pin hoặc ắc-quy đang được áp dụng trong hoạt động của các tàu ngầm hiện nay vì bản thân tàu kích thước nhỏ, nếu mang lượng ắc-quy lớn sẽ không lặn được lâu.
Ðể thử nghiệm hoạt động lặn, nổi của con tàu, tháng 10-2013, ông Hòa xây dựng bể nước kích thước rộng 4 m, dài 10 m và cao 5 m ngay trong khuôn viên công ty. Từ ngày 15-1 đến 25-1-2014, tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01 thực hiện thành công việc thử nghiệm trong bể để đo độ cân bằng của tàu khi nổi trên nước, kiểm tra độ rò rỉ trong tàu, hoạt động của động cơ và hệ thống tuần hoàn khí trong điều kiện lặn dưới nước...
Chưa dừng lại, ngày 28-3, ông Hòa tiếp tục đưa tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01 chạy thử nghiệm trong hồ điều hòa rộng 3 ha nằm trong Khu công nghiệp sông Trà, xã Tân Bình (TP Thái Bình) trước sự theo dõi, chứng kiến của một số cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình và hàng trăm người dân trong khu vực. Sau hơn một giờ đồng hồ điều khiển con tàu tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải chung quanh hồ điều hòa, ông Hòa nở nụ cười tươi bước ra khỏi buồng lái trong sự tán thưởng, khâm phục của đông đảo người chứng kiến.
"Tôi rất mong muốn được đưa tàu ngầm chạy thử nghiệm ở địa điểm rộng hơn như sông, biển nếu được cơ quan chức năng cho phép" - Ông Nguyễn Quốc Hòa nói. Tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01 là sản phẩm tiêu biểu của phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chưa phải là kết quả nghiên cứu của một đề tài cấp tỉnh, thành phố hay Nhà nước. Ðể tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01 trở thành thiết bị hoàn chỉnh, an toàn, có thể ứng dụng vào thực tế, các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan, tỉnh Thái Bình và các viện nghiên cứu nên chăng có sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư để ông Nguyễn Quốc Hòa có thể biến ước mơ của mình thành sự thật: Ðưa tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01 ra biển.