Ngày 18-7, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho sản phẩm chè Thái Nguyên phục vụ phát triển thương hiệu và xuất khẩu”. Tham gia có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, các hội thành viên, nhà khoa học và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, sản phẩm chè Thái Nguyên được thị trường ưa chuộng và có sức cạnh tranh cao. Nhiều sản phẩm đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, trên thực thế việc bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè vẫn chưa được đảm bảo. Trên thị trường còn nhiều sản phẩm chè không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được gắn nhãn “Trà Thái Nguyên”, “Tân Cương” làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng.
Với mục tiêu phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ, sử dụng các giải pháp công nghệ chống làm giả, từ đó nâng cao uy tín và giá trị, góp phần tạo thương hiệu nổi tiếng cho sản phẩm chè Thái Nguyên, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Ủy viên Liên hiệp cácHội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, các đại biểu trình bày tham luận tập trung 3 vấn đề chính là: Sự cần thiết phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè; Các giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã thực hiện khi áp dụng thực tế tại địa phương; giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng cho sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng hợp để đề xuất với tỉnh về việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho các sản phẩm hàng hóa nói chung, trong đó có sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng.
Dưới đây là lược ghi những ý kiến tham luận tại Hội thảo:
Cần quan tâm phát triển thương hiệu và xuất khẩu cho sản phẩm chè
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa - Tiêu chí quan trọng tạo nên uy tín sản phẩm
Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam: Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè là vô cùng cần thiết. Chúng tôi rất hoan nghênh hoạt động ý nghĩa và thiết thực này của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh. Để đảm bảo thương hiệu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ..., tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một tiêu chí rất quan trọng, góp phần tạo nên uy tín của sản phẩm. Hy vọng sau Hội thảo, các đại biểu sẽ đưa ra được bức tranh về sản phẩm chè Thái Nguyên trước và sau khi truy xuất nguồn gốc, đồng thời là cơ sở để đề xuất các giải pháp với tỉnh về ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với sản phẩm chè cũng như các hàng hóa khác đạt hiệu quả cao.
Tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế
Ông Hoàng Đức Vỹ, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ: Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được các cơ quan sở hữu trí tuệ của 3 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan) cấp văn bằng bảo hộ; hiện đang tiếp tục đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, góp phần tạo dựng hình ảnh, danh tiếng và phát triển chè Thái Nguyên trở thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo “4 nhà” cùng liên kết, cộng đồng trách nhiệm và khép kín từ khâu trồng, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tăng cường phổ biến chính sách của Nhà nước về phát triển thương hiệu, tổ chức tập huấn tại cơ sở giúp các hộ gia đình, làng nghề nâng cao nhận thức về giá trị, lợi ích từ việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên, tạo lợi thế cạnh tranh vững chắc trên thị trường.
Để giá trị của sản phẩm được nâng lên và phát triển bền vững
Th.s Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên: Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và người làm chè của tỉnh đang tích cực nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa vào từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất để gia tăng mức độ đồng nhất của sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm chi phí; từng bước thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ, chủ động tham gia chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, còn rất nhiều khó khăn, rào cản phía trước. Chúng ta đang thiếu việc quy hoạch vùng chè nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến trên từng địa bàn đảm bảo theo quy chuẩn Quốc gia; cần chú ý công nghệ tổ chức thị trường, maketing, xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi để giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên và phát triển bền vững...
Nên áp dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Bà Nguyễn Thị Minh Thuận, giảng viên Trường Đại học Việt Bắc: Đã có nhiều giải pháp giúp người tiêu dùng (NTD) nhận biết được sản phẩm hàng hóa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một công cụ rất quan trọng để phân biệt hàng thật, hàng giả trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử thông qua mã QR (Quick Response - Mã phản hồi nhanh) sẽ giúp NTD yên tâm về sản phẩm khi mua, nâng cao độ tin cậy của NTD với sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị của thương hiệu hàng hóa. Hiện nay, ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang được rất nhiều đối tượng quan tâm; đặc biệt ứng dụng công nghệ này đang được áp dụng cho nông sản xoài và thanh long ở nước ta. Sản phẩm chè Thái Nguyên nên nghiên cứu và áp dụng công nghệ này để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Người trồng chè còn nhiều băn khoăn
Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Hiện nay, người nông dân khi sản xuất chưa có thói quen ghi chép nhật ký sản xuất cũng như việc xác thực thông tin. Do vậy, hiệu quả của việc cung cấp thông tin sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm còn thấp. Sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng nguyên liệu thô, chưa có bao bì, nhãn mác, tem truy nguồn gốc. Phần lớn sản phẩm chè vẫn là do người dân tự chế biến với quy mô nhỏ, lẻ, manh mún; thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các cửa hàng, chợ truyền thống. Có rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh chè đáp ứng đủ các tiêu chí để cung cấp sản phẩm vào siêu thị. Người làm chè trên địa bàn tỉnh rất mong muốn được hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn về mọi mặt, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè.
Tôn trọng thương hiệu của địa phương mình
Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương: Khi chúng tôi áp dụng quy trình sản xuất chè UTZ (chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm) thuốc và phân bón phải kiểm chứng không có độc tố, lại phải ghi chép rõ việc sử dụng thuốc như thế nào, giữ lại bao bì thuốc bảo vệ thực vật để khi thanh tra, kiểm tra phải rõ ràng xuất xứ. Điều khác biệt thực sự là ở chỗ, toàn bộ sản phẩm được chứng nhận đảm bảo chuẩn quốc tế này có thể truy xuất nguồn gốc đến từng hộ sản xuất, thông qua việc ghi chép luân chuyển từ hộ gia đình đến Hợp tác xã Chè Tân Hương và ra thị trường trên một quyển sổ nông hộ. Khi sản phẩm được xuất khẩu đều được nước ngoài lấy mẫu để phân tích thành phẩm từng lô hàng. Để có sản phẩm chè chất lượng, mỗi hộ dân trồng chè nên tự giác, nâng niu và tôn trọng thương hiệu của địa phương mình và áp dụng quy trình sản xuất chè nghiêm ngặt.
Dễ dàng tiếp cận với khách hàng
Bà Dương Thị Thơm, chủ Cơ sở sản xuất chè Hoàng Dương: Trong xu thế hiện nay, truy xuất nguồn gốc được xem như là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có thể nhận thấy việc truy xuất nguồn gốc nông sản, sản phẩm hàng hóa sử dụng công nghệ mã QR và mã số, mã vạch ngày càng phổ biến, nhiều tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản như T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội… Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Các cơ sở sản xuất chè có ý thức về thương hiệu đều mong muốn có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc để minh bạch thông tin, đây cũng là cách các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu của mình.