Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số, huyện Đại Từ đã xác định rõ mục tiêu và những việc phải làm, có những bước khởi đầu tích cực và thu được kết quả rõ nét…
Đại Từ là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai phòng họp truyền hình trực tuyến tới 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Cuối năm 2020, huyện đã hoàn thành lắp đặt thiết bị phòng họp, hệ thống đường truyền internet kết nối 33 phòng họp, trong đó có 30 xã, thị trấn và Văn phòng Huyện ủy, Công an huyện, Ban CHQS huyện.
Đến nay, huyện đã tổ chức được nhiều hội nghị theo hình thức trực tuyến như: Tổng kết, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch… Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin của huyện vào công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí.
Đồng chí Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Phú Cường là xã cách xa trung tâm huyện, trước đây, mỗi lần huyện tổ chức hội nghị chúng tôi đều phải đi từ rất sớm. Nhưng thời gian gần đây, các hội nghị đều được tổ chức trực tuyến, nhất là việc quán triệt chỉ thị, nghị quyết, cấp xã triệu tập các cán bộ, đảng viên đến nghe, không cần phải tổ chức thêm một buổi để truyền đạt lại nữa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí.
Cùng với triển khai phòng họp trực tuyến, đến nay, hệ thống mạng LAN và kết nối Internet của các xã, thị trấn đã được đầu tư cơ bản để đảm bảo an toàn, an ninh mạng, phục vụ tốt công việc.
100% xã, thị trấn đều được trang bị khá đầy đủ máy tính và chữ kỹ số, 100% cán bộ công chức xã đã được cấp hòm thư điện tử công vụ. Nổi bật trong các xã, thị trấn là xã La Bằng.
Điểm thuận lợi của La Bằng là xã được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số của tỉnh. Theo đó, xã đã phối hợp với các đơn vị tiếp tục nâng cấp mạng Viettel, Vinaphone đường truyền vào các cơ quan, UBND xã. Bên cạnh đó, UBND xã tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tổng số 167 dịch vụ. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 7 dịch vụ, mức độ 4 là 56 dịch vụ, số dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 10 dịch vụ.
Đến nay, hệ thống một cửa điện tử của La Bằng được vận hành đảm bảo kết nối với cổng dịch vụ công của tỉnh, tổng hồ sơ nhận giải quyết là 1.493 hồ sơ, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Hiện nay, xã đang chuẩn bị lắp đặt thiết bị khám chữa bệnh từ xa, nâng cấp phần mềm y tế cơ sở cho Trạm Y tế xã, triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.
Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số, huyện Đại Từ đang tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật; dữ liệu; các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; nguồn nhân lực...
Mục tiêu hướng tới là 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn sử dụng phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo 100% văn bản đi, đến được gửi, nhận trên môi trường mạng, có sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức sử dụng, khai thác có hiệu quả thư điện tử chính thức của tỉnh; 50% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng...
Có một thực tế là hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hiểu biết về chuyển đổi số còn hạn chế, chưa tích cực sử dụng các giao dịch hành chính công bằng công nghệ thông tin. Vì thế, huyện đã, đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số; phát động phong trào “Thi đua xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số” để tạo ra phong trào thi đua rộng khắp. Chính quyền chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn, doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, người dân chuyển đổi số để thụ hưởng nhiều lợi ích.