Các nhà khoa học Hàn Quốc đã phát triển vật liệu da nhân tạo, lấy cảm hứng từ sinh học tự nhiên, có thể nhanh chóng thay đổi màu sắc như tắc kè hoa để phù hợp với môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư kỹ thuật cơ khí Ko Seung-hwan, Đại học Quốc gia Seoul, đứng đầu, đã tạo ra "làn da" bằng một loại mực đặc biệt có thể thay đổi màu sắc dựa trên nhiệt độ được điều khiển bằng các lò sưởi nhỏ một cách linh hoạt.
Ông Ko nói với Reuters: “Nếu bạn mặc quần áo ngụy trang trong rừng cây ở sa mạc, bạn có thể dễ dàng bị lộ diện. Thay đổi màu sắc và hoa văn một cách chủ động phù hợp với môi trường xung quanh là chìa khóa của công nghệ ngụy trang mà chúng tôi đã tạo ra".
Giáo sư Ko Seung-hwan, Đại học Quốc gia Seoul và robot Chameleon được phủ da nhân tạo.
Giáo sư Ko và nhóm đã trình diễn công nghệ - mực tinh thể lỏng nhiệt sắc (TLC) và máy sưởi dây nano bạc nhiều lớp xếp chồng theo chiều dọc - bằng cách sử dụng một robot có cảm biến phát hiện màu sắc. Từ đó, da sẽ cố gắng bắt chước bất kể màu sắc nào mà các cảm biến "nhìn thấy" xung quanh nó.
“Thông tin màu sắc được các cảm biến phát hiện và chuyển đến một bộ vi xử lý, rồi đến các bộ gia nhiệt bằng dây nano bạc. Một khi các lò sưởi đạt đến một nhiệt độ nhất định, lớp tinh thể lỏng nhiệt sắc tố sẽ thay đổi màu sắc của nó”, Giáo sư Ko nói.
Robot tắc kè hoa đổi màu da và kiểu dáng dựa trên môi trường xung quanh.
Độ dày của lớp da nhân tạo này chỉ hơn 100 micromet - mỏng hơn cả sợi tóc của con người. Bằng cách thêm các lớp dây nano bạc bổ sung với các hình dạng đơn giản như chấm, đường thẳng hoặc hình vuông, da có thể tạo ra các hoa văn phức tạp.
Giáo sư Ko cho biết: “Da dẻo có thể được phát triển như một thiết bị đeo được và được sử dụng cho thời trang, quân phục ngụy trang, bên ngoài ô tô và tòa nhà cho mục đích thẩm mỹ và cho công nghệ hiển thị trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 8.