Để sản phẩm “made in ThaiNguyen” vươn xa

07:25, 08/12/2021

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), đặc biệt đối với các sản phẩm đặc sản địa phương, chủ yếu là nông sản. Việc bảo hộ TSTT (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu thông thường) đã góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu của tỉnh.

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Thái Nguyên có 869 đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế 27, giải pháp hữu ích 18, kiểu dáng công nghiệp 17, nhãn hiệu 807) và 408 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp (sáng chế 7, giải pháp hữu ích 6, kiểu dáng công nghiệp 6, nhãn hiệu 389).

Thời gian qua, tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng và bảo hộ 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu chứng nhận, 19 nhãn hiệu tập thể. Trong đó có 9 TSTT được cấp cho sản phẩm chè, gồm: Chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương Thái Nguyên và nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên, chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh, chè Phổ Yên, chè Đại Từ; 2 nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Lương và 1 nhãn hiệu chứng nhận chè Võ Nhai cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 8 sản phẩm. Trong đó, có 6 nhãn hiệu tập thể gồm: Chè Đại Từ, ổi Linh Nham, na La Hiên, nhãn Phúc Thuận, tương Úc Kỳ, bưởi Tân Quang; 2 nhãn hiệu chứng nhận là chè và gạo nếp vải Phú Lương. Đặc biệt, tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đang tiếp tục đăng ký tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Từ thực tế cho thấy, không thể phủ nhận lợi ích từ việc các sản phẩm được công nhận TSTT. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên chia sẻ: Việc nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên được đăng ký bảo hộ thành công tại các thị trường Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đài Loan đã khẳng định uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của sản phẩm chè của tỉnh. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để tạo ra những cơ hội và lợi ích ngày càng lớn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chè, đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới, góp phần nâng cao vị thế “Đệ nhất danh Trà” trên thị trường quốc tế.

Còn ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên (Võ Nhai) thông tin: Trước đây, khi chưa được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm na La Hiên dù rất chất lượng nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Nhưng giờ đây, na La hiên đã được cấp quyền bảo hộ, cùng với việc mở rộng quảng bá nên sản phẩm được khách hàng trong cả nước biết đến và được tiêu thụ mạnh hàng năm.

Ông Phạm Quốc Chính cho biết thêm, mặc dù đã đạt được một số kết quả trong việc hỗ trợ xây dựng và phát triển TSTT và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa, nhưng so với nhiều địa phương khác trên cả nước, số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên mới chỉ ở mức trung bình.

Bởi vậy mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, xây dựng tờ trình đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV (khai mạc hôm nay 8-12).

Đại diện cơ quan chuyên môn liên quan cũng cho rằng, nếu dự thảo nghị quyết trên được HĐND tỉnh thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai cơ chế, chính sách thực hiện chương trình phát triển TSTT và tạo “hành lang” pháp lý để các sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn xa.