Thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch tại Thái Nguyên” thuộc Chương trình nông thôn miền núi, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh (Phú Lương) đã bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao. Dự án đã mở ra quy trình khép kín trong sản xuất giống, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch.
Ngựa bạch được nuôi tại HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh (Phú Lương). |
Ngựa bạch là loài động vật quý hiếm. Thịt và xương ngựa bạch còn được coi là dược liệu quý, dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh cho con người. Lâu nay, người dân tại một số tỉnh trung du, miền núi có tập quán dùng xương ngựa bạch để nấu cao và coi đó là vị thuốc quý bồi bổ sức khoẻ, có tác dụng chữa các bệnh về khớp và một số chứng bệnh khác.
Hiện nay, nuôi ngựa bạch vẫn đang là mô hình mới và ít hộ tham gia, bởi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, khó tìm được con giống đảm bảo chất lượng.
Được thành lập từ năm 2016, HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh (Phú Lương) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi động vật, như hươu sao, lợn rừng và một số loài gia cầm bản địa, đặc biệt là chăn nuôi ngựa bạch sinh sản và thương phẩm. |
Nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân và thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành khảo sát. Và đến năm 2020, HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh được giao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch tại Thái Nguyên”.
Các quy trình chăn nuôi áp dụng trong Dự án đều được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu, khảo nghiệm đem lại hiệu quả cao. Các kỹ thuật tác động đã góp phần nâng cao năng suất sinh sản của ngựa, cải thiện tốc độ sinh trưởng của ngựa thương phẩm...
Ông Trần Đình Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh, cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, HTX đã xây dựng được mô hình với quy mô 50 con ngựa cái và 4 con ngựa đực giống, chế biến được 65kg cao ngựa bạch và 130 lít sản phẩm phổi ngựa bạch ngâm mật ong. Đàn ngựa sinh sản cũng đã đẻ được 92 con ngựa con. Hiện nay, HTX đã tiếp nhận và làm chủ quy trình công nghệ từ khâu chọn và nhân giống, phòng và trị bệnh cho ngựa bạch.
Đặc biệt, HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh đã làm chủ được quy trình chế biến sâu các sản phẩm từ ngựa bạch. Việc tiếp nhận và làm chủ được các quy trình kỹ thuật này có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển, cũng như mở rộng mô hình chăn nuôi.
Trên thực tế, ở nước ta, số lượng ngựa bạch không còn nhiều nên giá mua sản phẩm khá đắt. Giá ngựa bạch giống hiện nay dao động từ 50 triệu đồng/con đến 80 triệu đồng/con. Giá của một con ngựa bạch thương phẩm từ 45 triệu đồng/con đến 50 triệu đồng/con. Ngoài ra, cao ngựa bạch có giá 900 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/100 gam, tùy thương hiệu; hay một bộ phổi ngựa bạch tươi có giá khoảng 5-6 triệu đồng, tùy thời điểm và khối lượng.
Trong tương lai, HTX Chăn nuôi động vật bản địa xã Tức Tranh dự kiến nâng quy mô chăn nuôi ngựa sinh sản từ việc tuyển chọn ngựa giống tự sản xuất. Đồng thời, tiếp tục mở rộng một số mô hình chăn nuôi cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh theo hình thức hợp tác đầu tư, thu mua sản phẩm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng mô hình chăn nuôi ngựa bạch tập trung và công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân là rất cần thiết, nhằm phát triển đàn ngựa bạch, nâng cao hiệu quả kinh tế. Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch tại Thái Nguyên" đã tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, như cao ngựa bạch và phổi ngựa bạch ngâm mật ong. Đây chính là động lực quan trọng để người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa bạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin