Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) huyện Đồng Hỷ đang phát huy tốt vai trò tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) từ cơ sở và tạo ra các công dân số.
Cửa hàng của gia đình chị Trần Thị Lệ (đứng giữa), ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) thường xuyên có khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. |
Gia đình chị Trần Thị Lệ, ở xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã nhiều năm bán tạp hóa. Trước kia, mỗi dịp Tết đến, chị cần rất nhiều tiền lẻ để trả lại khách hàng và bận rộn với việc đếm nhận tiền, chốt tiền cuối ngày. Nhưng nay thì khác, khách hàng nhà chị thường xuyên chuyển tiền thanh toán qua mã QR để sẵn trên bàn quầy.
Chị Lệ cho biết: Hiện nay, 80% người mua hàng sử dụng thanh toán trực tuyến, do đó, việc bán hàng, chốt tiền cuối ngày dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn. Thay đổi này là do có sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên tổ CNSCĐ, họ đã hỗ trợ người dân trong xóm thành thạo thanh toán online chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Nói về việc vận động người dân sử dụng thanh toán trực tuyến, ông Trần Xuân Điển, Tổ trưởng tổ CNSCĐ xóm Cà Phê, cho biết: Chúng tôi đã lấy ví dụ gần gũi cho người dân dễ hiểu, bằng cách so sánh nếu dùng tiền mặt, mà trả nhầm thì khó lấy lại, nhưng chuyển khoản thì còn lưu lại rõ ràng, rất dễ chứng minh việc trả nhầm tiền. Hay như, chúng tôi phân tích việc đếm nhiều tiền khi bán 1 con bò rất vất vả so với chỉ việc nhận thanh toán chuyển khoản. Với cách dễ hiểu như thế, bên cạnh tin tưởng thanh toán trực tuyến, nhiều người dân cũng đã sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử…
Được biết, xóm Cà Phê có 326 hộ với gần 1,3 nghìn nhân khẩu. Với cách tuyên truyền cụ thể cho người dân hiểu trước, sau đó hướng dẫn từng bước; phổ biến cho người trẻ trong các gia đình trước, sau đó mới tới những người lớn tuổi… đến nay nhiều người dân trong xóm cho rằng sử dụng các ứng dụng số dễ dàng và ít tốn thời gian so với cách làm trước.
Cùng với tổ CNSCĐ xóm Cà Phê, 142 tổ CNSCĐ còn lại trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đã có nhiều đóng góp trong hỗ trợ người dân nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản. Trên 800 thành viên của các tổ CNSCĐ địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về CĐS tại các buổi sinh hoạt xóm, tổ dân phố; trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng các ứng dụng, nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí, viện phí, hóa đơn điện, nước; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử… Qua đó thiết thực đưa các ứng dụng số, nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân trong huyện.
Nhờ kỹ năng số từng bước đến gần hơn với người dân, các nội dung, nhiệm vụ chính của CĐS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ ngày càng đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ xử lý công việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện được nâng cao; chi phí hoạt động được tiết kiệm đáng kể. Sự kết nối liên thông giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp được tăng cường.
Tính đến cuối năm 2023, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện trao đổi trên 72 nghìn văn bản điện tử qua môi trường mạng; cấp huyện và cấp xã đã tiếp nhận gần 27 nghìn hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt gần 73%; 100% người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã đã xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử, sử dụng chữ ký số, trình và ký văn bản toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử.
Đến nay, 100% doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đã sử dụng nền tảng số để phục vụ cho các hoạt động trao đổi mua bán trên môi trường mạng; 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, viễn thông trên địa bàn huyện đã sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp, HTX, cá nhân sử dụng nền tảng số trong kê khai, nộp thuế, bảo hiểm, website quảng bá sản phẩm...; 70% hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, tạp hóa... đã sử dụng thành thạo hình thức thanh toán trực tuyến và tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử…
Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Hỷ, cho rằng: Thời gian qua, các tổ CNSCĐ đã trở thành những "cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương trong CĐS với nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến CĐS. Đặc biệt, thành viên các Tổ CNSCĐ đã thực hiện hiệu quả việc hướng dẫn người dân tiếp cận với các ứng dụng, nền tảng số cơ bản. Thời gian tới, các tổ CNSCĐ sẽ triển khai các biện pháp hướng dẫn phù hợp giúp người dân tiếp cận công nghệ số, tăng kỹ năng sử dụng ứng dụng số và tự bảo vệ trên môi trường mạng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin