Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn trỗ bông, phơi màu; trà mùa trung đang vào giai đoạn làm đòng, đứng cái; trà mùa muộn đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh.
Tuy nhiên, ở các trà lúa mùa đều xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại với diện tích lúa bị nhiễm gần 5.000ha. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh khô vằn chiếm cao nhất với 3.570ha ở trà lúa mùa sớm, ở trà mùa trung, diện tích bị nhiễm là 447ha, trà mùa muộn có 90ha. Tỷ lệ bệnh nhiễm trung bình 5-20%/dảnh, nơi cao 30-40%, cá biệt như ở huyện Phổ Yên lên tới 70-90%/dảnh. Tiếp đó là sâu đục thân hai chấm, diện tích nhiễm ở trà mùa sớm là 220ha, trà mùa trung là 350ha. Mật độ nhiễm bệnh trung bình 0,03-0,1 con/m2, nơi cao 0,4-0,5 con/m2, cục bộ 1 con/m2 như ở Phú Bình, cá biệt lên đến 4 con/m2 như ở thị xã Sông Công. Ngoài ra, các loại sâu bệnh như rây nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ…cũng đang gây hại nhưng diện tích nhiễm bệnh không đáng kể, mỗi loại chỉ nhiễm khoảng 30-50ha.
Dự báo thời gian tới, các loại sâu bệnh hại sẽ tiếp tục gây hại tăng trên các trà lúa mùa, do đó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị chú ý theo dõi sát diễn biến các loại sâu bệnh hại chủ yếu trên cây lúa như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân hai chấm, rầy nâu…; tăng cường điều tra mở rộng, dự báo chính xác thời gian phát triển của các loại sâu bệnh để chủ động tham mưu các biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.