Tự hào là cái nôi của ngành Giấy

14:44, 16/08/2013

Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ (trụ sở phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên) tiền thân là Nhà máy Giấy Đáp Cầu được xây dựng từ năm 1913. Suốt quá trình từ năm 1936 đến khi khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Nhà máy Giấy Đáp Cầu đã nhiều lần đình công với yêu sách giảm giờ làm, tăng lương đến nổi dậy, buộc Pháp phải giao lại nguyên vẹn tài sản cho cách mạng. Từ đó, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay ở nơi trang trọng nhất của Nhà máy và đây chính thức trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên của ngành công nghiệp giấy Việt Nam do chính quyền Việt Minh quản lý, điều hành. Đầu năm 1947, Nhà máy đã có bước ngoặt lớn là di chuyển lên chiến khu Việt Bắc để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng.

Núi rừng chiến khu yên bình nhưng thiếu thốn đủ bề nhưng với tinh thần của những người làm cách mạng, tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy đã lao động hết mình trong điều kiện cơm rau, nước suối để hoàn thành lắp đặt thiết bị. Ngày 5/8/1945, Nhà máy chính thức khánh thành, đi vào hoạt động để sản xuất giấy phục vụ cách mạng. Trong ngày trọng đại này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến dự chỉ đạo, động viên và Nhà máy vinh dự được mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ. Với nhiều thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất nên tháng 7/1948, đoàn cán bộ của Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ đã vinh dự được lên gặp Bác Hồ để báo công. Năm 1955, Nhà máy di chuyển về phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên với nhiệm vụ chuyên sản xuất giấy bao bì công nghiệp phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, góp sức giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

 

 

 

Sản xuất răm giấy phục xuất khẩu

 

Hệ thống bể xử lý nước trước khi thải ra môi trường.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đơn vị đã từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường (lúc này đơn vị đổi tên thành Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ) nên có thời điểm, người lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định. Trước tình hình đó, Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, các ban, ngành của địa phương và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ vay vốn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất giấy bao bì xi măng công suất 15.000 tấn/năm của Đức. Tuy nhiên, do 100% vốn vay thương mại, sản lượng giấy chưa đạt hết công suất nên liên tục trong hai năm (2003-2004) đơn vị thua lỗ tới 25 tỷ đồng và có  nguy cơ phá sản. Đứng trước thách thức đó, các cấp ngành của Trung ương, địa phương, ngân hàng đã chỉ đạo, giúp đỡ ban lãnh đạo Công ty phân tích nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục để từng bước đẩy mạnh sản xuất. Cuối năm 2005, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị bước đầu có kết quả và đủ điều kiện cổ phần hóa giai đoạn 1. Từ khi cổ phần hóa, hoạt động của Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ còn khó khăn vì phải tiếp tục giải quyết hậu quả thua lỗ từ những năm trước nhưng kinh doanh đã bước đầu có lãi. Ghi nhận sự cống hiến của tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Đảng, Nhà nước đã phong danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” thời kỳ chống Pháp, tặng 14 Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.



Đến tháng 3/2007, Công ty đã tiến hành cổ phần hóa giai đoạn 2 với 100% vốn cổ đông. Tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh nên Ban Giám đốc Công ty đã nhanh chóng sắp xếp, ổn định lại tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ; hoàn thiện quy chế quản lý; xây dựng tác phong công nghiệp hóa; đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất; xử lý ô nhiễm môi trường. Do vậy, sau 6 năm cổ phần hóa, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ đã tăng trưởng doanh thu từ 89,68 tỷ đồng năm 2007 lên 207,3 tỷ đồng (năm 2012); nộp ngân sách Nhà nước từ 5,73 tỷ đồng lên 9,85 tỷ đồng; lợi nhuận từ 1,91 tỷ đồng lên 6,58 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 1,6 triệu đồng/người/tháng lên 4,6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2013, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ đã bứt phá ngoạn mục: Doanh thu đạt 165,36 tỷ đồng; nộp ngân sách 8,17 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 12 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng.



Kết quả hoạt động nêu trên là nền tảng quan trọng, vững chắc, tạo đà cho Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ tiếp tục mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề kinh doanh, từng bước mở rộng thị trường trong, ngoài nước. Từ đó, đơn vị có điều kiện đóng góp tích cực vào ngân sách, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.