Năm 2015: Thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

08:50, 23/02/2015

Đất trời đang chuyển mình chào đón một mùa xuân mới. Phát huy những thành tựu, đúc rút các bài học kinh nghiệm của năm 2014, cả nước đang tập trung để hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế 2015.

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế 2014 và phương hướng, nhiệm vụ 2015 nêu rõ, mặc dù đạt được nhiều kết quả so với năm trước, kinh tế - xã hội nước ta trong năm tới vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: Tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời tác động đến xuất khẩu và lạm phát trong nước. Sản xuất của khu vực doanh nghiệp đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế trong điều kiện năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện và năng lực cạnh tranh yếu. Nợ xấu vẫn còn nhiều quan ngại, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Cầu nội địa tuy tăng hơn năm trước nhưng chưa mạnh. Cán cân thương mại thặng dư song chưa thật vững chắc do tập trung chủ yếu ở khu vực FDI với giá trị gia tăng thấp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ trong nước nhằm giảm nhập khẩu chuyển biến chậm.

 

Theo các nhà quản lý cùng nhiều chuyên gia kinh tế, để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, các ngành, các cấp, các địa phương cần làm tốt những nội dung chủ yếu sau:

 

Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm vừa bảo đảm thanh khoản, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, vừa giữ ổn định vĩ mô. Tích cực xử lý nợ xấu trên cơ sở phân loại nợ của các doanh nghiệp, nhất là nợ của doanh nghiệp Nhà nước. Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đang tồn tại trong khâu cung ứng vốn nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Hai là, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đây là một trong các nhân tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh năm 2015 nước ta là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện các hiệp định mới được ký. Các doanh nghiệp cần nâng cao thương hiệu sản phẩm; xây dựng năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất quy mô lớn. Ngoài ra, phải giải quyết kịp thời và hiệu quả những bất cập về thủ tục hành chính trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

 

Ba là, nâng cao năng suất lao động, phương thức quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư quy trình sản xuất trang thiết bị hiện đại cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và kiến thức cao trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, tạo sự phù hợp hơn giữa kỹ năng sản xuất và yêu cầu công việc. Đổi mới thể chế kinh tế nhằm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), trong đó tập trung khuyến khích khu vực doanh nghiệp nâng cao khả năng xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh cũng như năng lực quản trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (RD), chủ động tiếp thu và ứng dụng tri thức mới, đồng thời tăng khả năng sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương cần tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý điều hành.

 

Bốn là, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng phụ trợ, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nguyên liệu phụ trợ và hạn chế nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào từ nước ngoài phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị cho nền kinh tế.

 

Năm là, giải quyết triệt để nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản từ các năm trước, nhất là các công trình có quy mô vốn lớn tác động làm gia tăng khoản nợ xấu. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị tư vấn cũng như các chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng của Nhà nước. Tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình chuẩn bị đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện các cơ chế chính sách, nhất là chính sách đối với hình thức hợp tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Xem xét, thu hồi các dự án không đủ năng lực, nhất là các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng. Đối với các dự án thủy điện cần tập trung vốn hoàn thành những công trình quan trọng. Các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn. Tăng cường và nâng cao năng lực công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng công trình cho cán bộ quản lý xây dựng cấp xã, phường, thị trấn. Hoàn thiện cơ chế quản lý xây dựng cơ bản, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đầu tư xây dựng.

 

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội và cải tiến hệ thống chính sách an sinh xã hội theo hướng tập trung, đầy đủ, đồng bộ. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách nhằm giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. Tạo việc làm phải bảo đảm tính bền vững. Nghiên cứu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo cho các bậc học, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Tổ chức có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để vận dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.