Vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi này luôn được huyện quan tâm đặc biệt và trở thành yêu cầu cấp thiết trong mùa mưa bão.
Hồ Phú Xuyên (xã Phú Xuyên) được xây dựng từ năm 1986 với năng lực tưới trên 200ha, phục vụ sản xuất cho bà con xã Phú Xuyên và một phần xã Na Mao, Yên Lãng. Tìm hiểu công tác phòng chống lụt bão ở đây, chúng tôi thấy mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Cẩn thận mở khóa nhà quản lý hồ, ông Trần Văn Khánh, cán bộ phụ trách đầu mối hồ Phú Xuyên, giới thiệu: Những vật dụng thiết yếu cho công tác phòng bão đều ở trong này, bao gồm 4.000 chiếc bao tải dứa, trên 60 cuốc bàn, gần 70 cái xẻng… Tất cả đều đã sẵn sàng để sử dụng khi bão đến, nhằm kịp thời xử lý sự cố ngay từ những giờ đầu. Định kỳ hàng tháng, chúng tôi đều cắt cử người đến kiểm tra, sửa chữa nếu phát hiện hư hỏng. Được biết, UBND xã Phú Xuyên đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) gồm 10-12 thành viên do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Trưởng ban Chỉ huy quân sự xã làm Phó ban Thường trực và các đồng chí trong ban, ngành, đoàn thể là ủy viên. Đồng thời, kiện toàn lực lượng xung kích, dự bị, trong đó 150 người thuộc lực lượng dự bị là các chủ hộ gia đình trong độ tuổi lao động của 3 xóm (9, 10, 11). Cũng theo ông Khánh, mực nước hồ hiện vẫn được giữ ở mức an toàn, cụ thể là ở cao trình dương 46,5m, thấp hơn trên 6m so với cao trình mực nước dâng bình thường.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có trên 30 hồ lớn, nhỏ, trong đó có 26 hồ do huyện trực tiếp quản lý với tổng diện tích trên 1.400ha và 7 hồ thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi mà trực tiếp là trạm khai thác thủy lợi đặt tại huyện Đại Từ. Ngoài vai trò cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, các hồ đập còn có chức năng phòng lũ, điều tiết nước. Hiểu được tầm quan trong đó, những năm qua, huyện Đại Từ đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống lụt bão tại các hồ chứa, vừa đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho các hộ sản xuất quanh khu vực hồ, vừa thực hiện xả bớt nước khi mưa lũ đến, đồng thời bảo vệ an toàn cho các công trình. Ông Đinh Việt Hùng, Trạm phó Trạm khai thác thủy lợi huyện Đại Từ cho biết: Hiện nay, các hồ: Đầm Chiễu, Đồng Tâm, Khuôn Nanh, Đoàn Ủy, Gò Miếu, Phượng Hoàng, Phú Xuyên đều đã bảo đảm việc điều tiết nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ xuân. Hiện các hồ đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ phòng lũ nên giữ nước ở mức ổn định, thấp hơn xả tràn từ 6-8m. Trong thời gian tới, Trạm sẽ phối hợp với các xã rà soát các phương án PCTT-TKCN tại các hồ, kịp thời điều tiết mực nước khi có mưa lũ xảy ra.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các hồ trên địa bàn huyện Đại Từ phần lớn được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, do vậy, về cơ bản đều đảm bảo an toàn về mặt công trình. Tuy nhiên vẫn không được chủ quan với các tình huống sạt, trượt mái đập, sập vòm cống ngầm khi mưa lớn xảy ra.
Cùng với chủ động ứng phó với tình huống thiên tai tại các hồ đập, huyện Đại Từ cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB - TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" bao gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Các kho dự trữ cũng đã chuẩn bị đầy đủ xuồng máy, thuyền tôn, thuyền nan, phao cứu sinh, áo phao, các trang thiết bị vật chất phục vụ tìm kiếm cứu nạn và thuốc chữa bệnh, lương thực cứu trợ, giống cây trồng… Công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng tích cực được triển khai. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện đã chuẩn bị lực lượng cứu hộ, đội cơ động sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán người và tài sản khi cần thiết.
Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó ban Ban Chỉ huy PCLB - TKCN huyện Đại Từ cho biết: Trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai ở các đơn vị, xã, thị trấn; nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết để chủ động triển khai phương án phòng, chống. Trong tình huống có thiên tai, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện sẽ bố trí trực 24/24 giờ, thường xuyên thông tin, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, UBND các xã, thị trấn để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của thiên tai.
Với những phương án chặt chẽ và đồng bộ nói trên, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của huyện đối với công tác bảo vệ an toàn cho các hồ đập trên địa bàn. Mùa mưa bão đang đến gần, hy vọng Đại Từ sẽ có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do bão lụt gây ra.