Ngành khai khoáng, luyện kim - Những dấu hiệu tích cực

16:34, 09/06/2016

Dư âm khó khăn từ năm ngoái đã đeo bám ngành khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh đến tận những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi thị trường có xu hướng “ấm” dần lên, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong ngành đều có nét khởi sắc đáng kể.  

Thời gian qua, Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Hơn 5.000 người lao động trong đơn vị đang phải gắng sức hơn bình thường để vừa sản xuất bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa phải lo trả nợ hàng chục tỷ đồng mỗi tháng cho Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II đang triển khai dở dang. Có thể nói, không còn khó khăn nào hơn đối với một DN có vị thế của “người anh cả” trong số các DN khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, DN này vẫn không nản chí mà luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để giữ vững thương hiệu thép TISCO trên thị trường. Bằng chứng là tất cả các chi nhánh, khai trường, xí nghiệp của Công ty đều đang vận hành ổn định, thậm chí có khu vực đang vượt sản lượng so với thời điểm trước đó. Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thì một số khu vực sản xuất của Công ty (như tuyển quặng, luyện thép, cán thép) đang hoạt động mãn tải để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường. Được biết, từ đầu tháng 3-2016 đến nay, khi quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu của Bộ Công Thương có hiệu lực, tình hình sản xuất và tiêu thụ thép của Công ty khởi sắc rất nhiều (sản lượng thép trong hơn 5 tháng qua tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước).

 

Tại Mỏ sắt Trại Cau, đơn vị trực thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, không khí sản xuất trong thời điểm này khác nhiều so với những tháng cuối năm 2015. Giám đốc Mỏ, ông Mạc Đăng Niên cho biết: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dư âm để lại từ những năm trước, song ở thời điểm này chúng tôi đang vận hành sản xuất rất tốt. Lúc đầu, Công ty chỉ giao kế hoạch sản lượng bằng 50% của năm trước, song ở thời điểm này, Mỏ đã sản xuất vượt kế hoạch để đáp ứng nguyên liệu cho luyện thép của Công ty.

 

Cũng hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng sắt và sản xuất gang luyện thép, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đang trong mạch tăng trưởng cao. Người đứng đầu Công ty, ông Chu Phương Đông chia sẻ với chúng tôi khi vừa chính thức ký hợp đồng cung cấp gang thỏi khối lượng lớn cho Tập đoàn Hòa Phát: Hiện tại Nhà máy gang Nam Son của đơn vị đang phải chạy hết công suất để đủ nguồn hàng cung cấp cho đối tác theo hợp đồng đã ký. Những ngày gần đây, xe của khách hàng ra vào Nhà máy nườm nượp, bù cho năm trước hàng tồn kho nhiều. Đối với Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo đang nỗ lực giải quyết những vướng mắc về môi trường để tập trung toàn bộ cho sản xuất. Dù vậy, theo số liệu của Sở Công Thương cung cấp thì vonfram và sản phẩm vonfram do đơn vị khai thác, chế biến những tháng qua đang tăng tới  gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng tỏ hoạt động sản xuất của DN này thực sự khởi sắc trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn đầu cải thiện.

 

Tìm hiểu thêm tại một số DN khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đều nhận thấy những thay đổi tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cách đây mấy tháng, sản phẩm gang hợp kim ở khu tập kết của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi tại xã Động Đạt (Phú Lương) còn chất cao như núi do giá xuống thấp, nhưng nay chỉ còn là bãi trống. Lãnh đạo Công ty cho biết, những tháng đầu năm do giá gang xuống thấp hơn trước tới 40% nên đơn vị chấp nhận đổ đống ở bãi còn hơn tiêu thụ mà chịu lỗ. Nhưng vừa rồi, nhu cầu gang hợp kim tăng mạnh, nhiều bạn hàng tìm đến mua, DN đã xuất bán gần hết. Với tình hình này, Công ty sẽ cho chạy tới 80% công suất của Nhà máy để đáp ứng nhu cầu.

 

Từ chỗ nhiều DN trong ngành khai khoáng, luyện kim ở vào tình cảnh khó khăn, tiến thoái lương nan nay đã có những khởi sắc bước đầu. Đó là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với ngành khai khoáng, luyện kim mà là chung toàn ngành công nghiệp địa phương. Theo số liệu mới nhất của ngành Công Thương thì phần lớn các sản phẩm khai khoáng và luyện kim trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 5-2016 đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là sản phẩm vonfram tăng tới gần 50%; sắt, thép tăng gần 40%; than khai thác tăng gần 10%... Khi các sản phẩm của ngành này tăng trưởng sẽ kéo theo các ngành công nghiệp khác như cơ khí, chế tạo, vật liệu xây dựng và ngay cả công nghiệp công nghệ cao cũng phát triển theo.

 

Từ thực tế cho thấy đang có những dấu hiệu rất tích cực của ngành khai khoáng, luyện kim - một ngành công nghiệp vốn được xem là truyền thống của tỉnh. Theo nhận định của ngành chức năng, các DN thuộc lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh cần tập trung tận dụng và khai thác triệt để điều kiện thuận lợi hiện nay để khỏa lấp những khó khăn trước đó, đồng thời tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.