“Khát” nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm

09:35, 09/07/2020

Trong khi hiệu quả mang lại từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc (GQVL) làm rất lớn và nhu cầu vay của người dân trên địa bàn tỉnh cao thì đây lại là nguồn vốn thiếu nhiều nhất. 

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh: Hiện nay mới chỉ có gần 15% số hộ có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn này và hầu hết chỉ được vay một phần so với mức vay tối đa. Từ thực tế này rất cần sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chuyển một phần ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện việc cho vay vốn GQVL đối với những hộ dân có nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trung Việt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Hiện nay, xóm có 210 hộ, nhưng mới chỉ có gần 60 hộ được vay nguồn vốn GQVL của NHCSXH. Trong khi đó, đại đa số các hộ dân trong xóm đều có nhu cầu được vay nguồn vốn này. Hơn nữa, mức được vay tối đa là 100 triệu đồng thì hiện chỉ có 2 hộ được vay mức 60 triệu đồng/hộ; số còn lại từ 40-50 triệu đồng/hộ. Do thiếu vốn nên thỉnh thoảng tổ mới có 1-2 hộ được vay. Có những hộ chờ đợi nguồn vốn 2-3 năm mà vẫn chưa tới lượt.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Lương thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại xã Cổ Lũng.

Còn theo chị Dương Thị Đại, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên): Những năm gần đây, Hồng Tiến là một trong những xã có diện tích đất bị thu hồi lớn để phục vụ cho các dự án. Do đó, nhiều hộ không còn đất để sản xuất nên phải chuyển sang kinh doanh nhà trọ hoặc bán hàng. Từ thực tế này nên nhu cầu vay vốn vay GQVL cũng rất lớn. Vậy nhưng, hiện cả xã mới có 53 hộ được vay, với tổng dư nợ 2,1 tỷ đồng. Tôi mong, trong thời gian tới, nguồn vốn này sẽ được tăng cường, để những người thuộc đối tượng đều được vay, đáp ứng nhu cầu tự tạo việc làm cho bà con.

Thiếu nguồn vốn cho vay GQVL không chỉ xảy ra ở các xã, xóm nêu trên mà là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trong tỉnh từ nhiều năm qua, đặc biệt là ở T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên (vì đây là những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ít nên người dân chỉ có thể vay nguồn vốn này để đầu tư phát triển kinh tế gia đình). Theo khảo sát của các địa phương, chỉ tính riêng năm 2020, nhu cầu của người dân đối với nguồn vốn này là 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, NHCSXH tỉnh mới cho vay được 33,5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng dư nợ cho vay đối với nguồn vốn này là 215 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương chuyển về là 109 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 106 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh và các huyện, thành, thị là 97 tỷ đồng; của doanh nghiệp chuyển sang là 9 tỷ đồng), chiếm 6,1% tổng nguồn vốn của Chi nhánh. 

Trước đó, theo quy định, từ ngày 1/3/2019, mức cho vay đối với chương trình này được điều chỉnh tăng gấp 2 lần so với trước. Cụ thể: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa đã lên đến 2 tỷ đồng/dự án và 100 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Người lao động được vay tối đa từ 50 lên 100 triệu đồng/người. Ngoài ra, thời hạn cho vay cũng được tăng hai lần so với trước. Thay vì tối đa 60 tháng thì nay là 120 tháng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người vay khi đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có thời gian dài. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhằm góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” theo Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và góp phần xây dựng nông thôn mới. Quy định là thế, nhưng trên thực tế, rất ít hộ được vay ở mức tối đa do nhu cầu thì nhiều mà nguồn vốn thì thiếu.

Lý giải về thực tế này, ông Lê Văn Hồng chia sẻ thêm: Lâu nay, cho vay GQVL luôn là nguồn vốn được Trung ương rót về ít nhất. Sở dĩ như vậy là vì đây là nguồn vốn có điều kiện huy động từ ngân sách địa phương và doanh nghiệp theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư. Do đó, việc địa phương không dành nguồn lực hoặc có nhưng hạn chế sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đối với Thái Nguyên, kể từ năm 2015, theo kế hoạch, thì hàng năm, tỉnh sẽ dành 10 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện việc cho vay đối với Chương trình này. Tuy nhiên, số kinh phí thường chỉ được bố trí 5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Đề án 2476/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình việc làm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020 thì mỗi năm, ngân sách tỉnh cũng sẽ ủy thác qua NHCSXH tỉnh 10 tỷ đồng để cho vay. Nhưng cho đến nay, NHCSXH tỉnh chưa nhận được nguồn vốn ủy thác này. 

Đối với việc huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư thì cũng chỉ có các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai và T.X Phổ Yên là huy động được sự vào cuộc của gần 20 doanh nghiệp, với tổng số vốn ủy thác là 9 tỷ đồng (trong đó, riêng Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo là 6 tỷ đồng)... 

Từ thực tế cho thấy nguồn vốn cho vay GQVL đã và đang mang lại hiệu quả rất thiết thực đối với người dân. Nó được ví như “chiếc cần câu” giúp những người trong độ tuổi lao động nhưng không có điều kiện xin việc tại các doanh nghiệp có cơ hội tự tạo việc làm ngay tại gia đình, quê hương mình. Vì thế, rất cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc dành một phần nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như trong việc động viên doanh nghiệp để ủy thác một phần nguồn vốn thực hiện việc cho vay. Đây cũng chính là một trong những giải pháp giúp GQVL, nâng cao thu nhập cho người dân.