Từ nhiều năm nay, chè là một trong những cây trồng thế mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Qua đó, góp phần nâng cánh cho thương hiệu chè Thái Nguyên vươn cao, bay xa.
Trong tiết trời “rét ngọt” của những ngày cuối năm, dưới làn mưa xuân lất phất, tôi chầm chậm chạy xe lòng vòng trên con đường nhựa thẳng tắp, băng ngang qua các xã thuộc vùng chè đặc sản: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu… (T.P Thái Nguyên). Suốt quãng đường, tôi thỏa thích hít vào lồng ngực cái khí xuân căng tràn của đất trời, thu vào tầm mắt những đồi chè bát úp đang vươn mình phơi phới đón xuân.
Không chỉ có những đồi chè xanh non, san sát hai bên đường còn xuất hiện các biển hiệu như: HTX Chè Hảo Đạt, HTX Tâm Trà Thái, rồi cơ sở sản xuất chè Thắng Hường, Nghìn Hạnh, Vũ Trọng Đại… Chốc chốc, tôi lại bắt gặp những đoàn khách ghé vào các điểm thăm quan du lịch cộng đồng để cùng thưởng trà, chụp ảnh và chọn mua những sản phẩm ưng ý làm quà Tết. Tiếp đón chúng tôi với khuôn mặt niềm nở, anh Trần Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất chè Thắng Hường hồ hởi: Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè đều theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, có mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vài năm trở lại đây, bên cạnh sản xuất chè, chúng tôi còn đầu tư địa điểm để du khách tới trải nghiệm, tham quan, thưởng trà cũng như góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trung bình 1 tuần, nhà tôi tiếp trên 100 lượt khách, cả khách trong nước và nước ngoài.
Nhân viên hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) lấy hương chè.
Rời vùng chè Tân Cương trong hương chè vấn vít, chúng tôi ngược về phía Tây Bắc đến thăm khu sản xuất của Công ty CP Chè Hà Thái ở xã La Bằng (Đại Từ). Nằm dưới chân núi Tam Đảo, được chăm sóc, tưới dưỡng bằng dòng nước mát lành chảy ra từ khe suối nên những nương chè nơi đây quanh năm xanh tốt, có hương thơm đặc trưng và đủ vị đắng, chát, ngọt hậu. Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Hà Thái chia sẻ: Từ khi có sản phẩm đoạt giải Bạc (năm 2016) và giải Vàng (năm 2019) Cuộc thi trà Quốc tế, chúng tôi càng chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính trên thế giới. Để các sản phẩm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, Công ty đang tiếp tục triển khai mở rộng quy mô sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại các xã La Bằng, Phú Xuyên và Tân Linh (Đại Từ) với diện tích hơn 200ha.
Như chia sẻ của chính những người sản xuất, phát triển sản phẩm chè đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ đang là xu thế được đa số các hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh áp dụng. Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên cũng đã có nhiều chính sách tập trung phát triển nhanh cả về diện tích, cơ cấu giống mới, năng suất, sản lượng, công nghệ chế biến, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chè. Cụ thể, trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ bà con giá giống để trồng mới, trồng thay thế hơn 5.000ha chè.
Nhờ vậy, toàn tỉnh hiện có gần 18.000ha chè giống mới như: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên… chiếm 80% tổng diện tích. Các đơn vị chuyên môn cũng tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, vật tư… để khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ với diện tích 6.200ha.
Trong đó, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm bán tự động đạt 4.700ha; 100% cơ sở sản xuất, chế biến chè áp dụng cơ giới hóa khâu vò, sao chè. Giá trị sản phẩm chè búp tươi bình quân năm 2020 đạt 270 triệu đồng/ha; giá trị sản phẩm chè sau chế biến bình quân đạt 370-475 triệu đồng/ha, ở một số vùng chè đặc sản đạt từ 600-700 triệu đồng/ha (cao gấp 2,5 lần so với năm 2016).
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cho biết: Ở mỗi vùng chè trên địa bàn tỉnh hiện nay, người làm chè đều đã tạo ra cho riêng mình những sản phẩm chè đặc trưng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như: Chè đinh, chè tôm nõn, trà ướp sen, trà túi lọc, trà lắc, trà hoa cúc, hoa nhài, bột trà xanh, trà giảm cân… Ngoài nỗ lực chuyển đổi cơ cấu giống và phương thức sản xuất, người làm chè Thái Nguyên cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Cụ thể, trong 2 năm 2019 và 2020, đã có 62 sản phẩm chè của các đơn vị trong tỉnh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.
Với những nỗ lực đó, hiện nay, Thái Nguyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm trên 1ha chè. Chè Thái Nguyên tiếp tục khẳng định được vị thế “đệ nhất danh trà”, nhiều sản phẩm đã đoạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế, góp phần nâng cánh thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng vươn xa.
Anh Trần Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất chè Thắng Hường, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên): “Với người dân Tân Cương, chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành cây trồng chủ lực góp phần làm giàu cho người nông dân”.