Phát triển cây dược liệu ở Đại Từ: Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ

08:18, 09/08/2021

Là huyện miền núi và có  tới 10 xã nằm bên sườn Đông của dãy Tam Đảo nên Đại Từ đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu. Minh chứng là nhiều loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao như: Trà hoa vàng, ba kích, sa nhân, xạ đen, khôi nhung… được tìm thấy mọc tự nhiên trong các cánh rừng trên địa bàn, được dân gian sử dụng để tạo nên những bài thuốc quý từ nhiều đời nay. Vậy nhưng, hiện nay, diện tích cây dược liệu của huyện Đại Từ vẫn khá khiêm tốn, chủ yếu mang tính tự phát và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại xã An Khánh, các loại cây dược liệu như: Xạ đen, kim ngân, dành dành… được người dân trồng trong vườn nhà từ cách đây 15-20 năm về trước như một cách để lưu giữ những bài thuốc quý dân gian. Cây kim ngân có tác dụng giải nhiệt; cây dành dành chữa viêm gan, vàng da; khôi nhung chữa dạ dày… 

Là một trong những người trồng dược liệu lâu năm của xã, ông Nguyễn Văn Bình, ở xóm An Bình chia sẻ: Từ thời bố mẹ tôi đã có thói quen lên rừng tìm cây thuốc chữa bệnh, một số cây hay dùng thì đưa về trồng trong vườn. Đến thời chúng tôi cũng vậy, nhưng vài năm trở lại đây, tôi trồng đa dạng các loại hơn để đáp ứng nhu cầu thu mua của một số thầy lang ở địa phương và các thương lái mua dược liệu. Tôi đã chuyển đổi trên 3.000m2 diện tích ruộng thiếu nước, vườn tạp, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu. Trung bình mỗi năm, tôi bán được trên 1 tấn dược liệu khô, mỗi sào cho thu khoảng 12 triệu đồng/năm. 

Bên cạnh trồng làm nguyên liệu, một số hộ dân ở An Khánh đã phối kết hợp một số loại cây theo bí quyết riêng để chế biến thành cao dược liệu. Đơn cử như bà Dương Thị Mến, ở xóm Đồng Sầm. Bà Mến cho biết: Trung bình mỗi tháng, tôi bán được khoảng 10kg cao dược liệu. Để có được 1kg cao thì cần nấu khoảng 150kg lá tươi, song giá bán lại cao hơn nhiều so với bán dược liệu thô. Hiện, 1kg cao dược liệu có giá 1,5 triệu đồng. Ngoài nấu cao, gia đình tôi cũng trồng và bán dược liệu để làm nguyên liệu cho các hiệu thuốc đông y, bình quân khoảng 10 tấn/năm. Nhờ có cây dược liệu, kinh tế gia đình tôi cũng ngày một ổn định hơn.

Từ hiệu quả của cây dược liệu, cuối năm 2019, 15 hộ dân tại các xóm Đồng Sầm, An Thanh, An Bình,…đã liên kết lại để thành lập Tổ sản xuất cây dược liệu với sản lượng hàng năm khoảng 30 tấn dược liệu, bao gồm cả số người dân thu hái từ thiên nhiên. Đáng chú ý, một số loài cây do khai thác lâu năm, có nguy cơ mai một đang được người dân sưu tầm, nhân giống để bảo tồn như: Vảy rồng, râu mèo, an xoa, kim cang, bạch đồng nữ…

Dù đã chứng minh được hiệu quả và có tiềm năng để nhân rộng, thế nhưng mô hình trồng cây dược liệu ở An Khánh vẫn ở dạng tự phát, manh mún, chưa có quy hoạch vùng. Nguyên nhân là bởi người dân chưa tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn. Sản phẩm của người dân chủ yếu được bán trôi nổi trên thị trường, qua khâu trung gian là các thương lái, thầy lang nên giá trị chưa cao. Chính bởi còn e ngại đầu ra nên nhiều người chưa dám mở rộng diện tích. Hiện, diện tích cây dược liệu của xã An Khánh khoảng 10ha.

Ngoài lý do thị trường tiêu thụ chưa ổn định thì kinh phí đầu tư thực hiện trồng cây dược liệu lớn, nguồn cây giống khó khăn, chu kỳ sản xuất một số cây dài... cũng là những ”rào cản” được một số người dân và cơ quan chuyên môn chỉ ra trong việc phát triển cây dược liệu. Bởi vậy, mặc dù đã từng có khá nhiều dự án trồng cây dược liệu được triển khai tại huyện thời gian qua, song đến nay các mô hình, dự án đều dừng lại ở việc thực hiện quy trình, trồng thử nghiệm mà chưa thể nhân rộng. 

Đơn cử như mô hình trồng cây sa nhân được trồng thí điểm trồng dưới tán rừng tự nhiên tại xã Quân Chu với diện tích 3ha vào năm 2011 do Viện Dược liệu thực hiện. Hiện nay, cây trồng sinh trưởng phát triển kém do nhân dân chưa tập trung chăm sóc. Hay như mô hình trồng nghệ để sản xuất tinh bột của HTX Nông nghiệp Trung Na được triển khai tại các xã Khôi Kỳ, Mỹ Yên, Tiên Hội vào năm 2018, sau khi thu hoạch xong sản phẩm, HTX cũng luân canh sang cây trồng khác. 

Mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng được triển khai từ giai đoạn 2011-2015 với quy mô gần 25ha tại các xã: Cát Nê, Phú Xuyên, Văn Yên, Quân Chu, Phú Thịnh, Mỹ Yên, La Bằng, do nhiều nguyên nhân cũng chưa thể nhân rộng... Đến thời điểm này, toàn huyện có khoảng 30ha trồng cây dược liệu, phân bố ở nhiều xã, chủ yếu do người dân tự trồng trên đất ruộng, vườn đồi.

Trong bối cảnh các loại cây dược liệu trong thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, một số giống cây quý có nguy cơ biến mất hoàn toàn thì việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cần sớm có định hướng cụ thể, hướng dẫn người dân trong việc phát triển cây dược liệu; thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung thông qua việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, kết nối cung - cầu, từng bước xây dựng thương hiệu, gắn việc sản xuất với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm… Từ đó, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân, khai thác hết lợi thế về đất đai, khí hậu…