Vẫn trên những thửa ruộng, mảnh vườn, chuồng trại ấy, trước đây, người nông dân chỉ canh tác theo phương pháp truyền thống thì nay bà con đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song hành với đó, tỉnh cũng triển khai một số cơ chế, chính sách nhằm tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên thời gian tới.
Những điểm sáng
Nhận thấy địa phương có lợi thế về sản xuất rau an toàn nhưng còn ít cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch, anh Bùi Minh Thắng, ở xóm Cầu Giao, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây nhà xưởng. Sau khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển Thương mại Nguyên Việt (năm 2016), anh đã lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến các loại bột rau như: Tía tô, rau má, diếp cá, cần tây, cải xoăn, cải bó xôi, lá xạ đen và trà sữa. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh xuất bán từ 1-2 tấn bột rau, thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Thắng chia sẻ: Thời gian tới, Công ty sẽ liên kết với một số hợp tác xã trên địa bàn để hình thành chuỗi sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Đối với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), đơn vị chọn sản xuất nấm công nghệ cao (CNC) theo hướng hữu cơ. Việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, tự động hóa cao từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống trong phòng thí nghiệm đến khâu đóng bịch, sấy nấm với hệ thống tự động điều khiển bằng máy tính đã góp phần nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Trung bình 1 năm, Công ty sản xuất trên 100 tấn nấm các loại, như: Linh chi, nấm hương, nấm đông cô, mộc nhĩ, nấm hầu thủ, đông trùng hạ thảo…. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu tới các nước như: Nhật Bản, Úc, Anh…
Và hướng đi tất yếu
Ngoài các mô hình nói trên, một số hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn ứng dụng các công nghệ như: Trồng rau, hoa trong nhà lưới; canh tác trên giá thể hoặc trên luống đất có che phủ bằng ni-lon; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm hoặc nhỏ giọt; cơ giới hóa khâu làm đất; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất chè theo hướng hữu cơ… Trong đó, có thể kể tên một số đơn vị tiêu biểu như: Trang trại sản xuất nông nghiệp sạch của Doanh nghiệp Tư nhân Cao Bắc, Công ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na, ở xã Tiên Hội (Đại Từ)…
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng được bà con đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thay cho việc chăn nuôi nhỏ lẻ như trước kia, toàn tỉnh hiện có trên 870 trang trại chăn nuôi, chiếm 30-35% tổng đàn, cung ứng khoảng 40-45% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Đa phần các chủ trang trại đều xây dựng hệ thống chuồng kín; có lắp hệ thống quạt mát, đèn sưởi; máng ăn tự động.
Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học và công nghệ xử lý chất thải, góp phần nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, số trang trại chăn nuôi hoạt động theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, gia công và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chiếm trên 70%.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi là hướng đi tất yếu, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cần những giải pháp “bứt phá”
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều sản phẩm mới, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao…
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT, trước thực trạng trên, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích hơn 154ha tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), ngày 4/11/2021, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Thái Nguyên. Khi đi vào hoạt động, tại đây sẽ diễn ra các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng CNC trong lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản, sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Tín hiệu vui là hiện tại, đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến các khu quy hoạch và lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Thực hiện “Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC; phát huy vai trò hạt nhân về công nghệ của Khu nông nghiệp ứng dựng CNC…