Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), đã đóng góp tích cực vào khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại nhiều địa phương. Tại Định Hóa, với mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2023, quan tâm, phát triển KTTT được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM, tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) yêu cầu địa phương cần có HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững… Vì vậy, để đảm bảo đạt tiêu chí này trong xây dựng NTM thì các địa phương cần tập trung phát triển KTTT, mà trọng tâm là HTX và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị…
Đối với Định Hóa, theo số liệu thống kê sơ bộ, tính từ năm 2013 đến nay, huyện đã phân bổ trên 13,3 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau, triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ các HTX, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng và tham gia chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp…
Qua đó, nhiều HTX trên địa bàn đã tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất, kinh doanh với sản phẩm có lợi thế, gia tăng thu nhập cho các thành viên, hộ nông dân. Điển hình như: HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa (xã Phượng Tiến); HTX chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng (xã Kim Phượng), HTX nông sản Phú Đạt (xã Sơn Phú)…
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông sản Phú Đạt, chia sẻ: HTX được thành lập từ năm 2018, với ngành nghề chính là ươm cây giống (chè, quế). Năm 2020, chúng tôi phát triển thêm nghề sản xuất và chế biến chè với vùng nguyên liệu rộng 11ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với 50 nông hộ. Từ khi ra đời đến nay, HTX đã được hỗ trợ trên 3,3 tỷ đồng từ các chương trình: Hỗ trợ làm đường giao thông vào khu sản xuất và xây dựng hồ tưới tiêu; kinh phí in ấn bao bì, tem mác và thu hút nhân lực chất lượng cao; xây dựng xưởng sản xuất chế biến chè… Nhờ sự tiếp sức này, HTX hoạt động ngày càng hiệu quả. Trung bình 2 năm qua, doanh thu của HTX nông sản Phú Đạt đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 30 lao động với mức lương trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, HTX có sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Ông Âu Văn Được, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, cho hay: Toàn xã hiện có 4 làng nghề chè và 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến chè. Phát huy lợi thế có vùng chè lớn nhất huyện (320ha), những năm qua, các thành phần KTTT trong xã không chỉ hoạt động hiệu quả, góp sức nâng cao giá trị cây trồng chủ lực mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Năm 2020, Sơn Phú đã cán đích NTM và năm 2021, xã có 2 sản phẩm của hai HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sơn Phú đặt mục tiêu đến năm 2023 đạt xã NTM nâng cao; nâng thu nhập bình quân tăng lên mức 42 triệu đồng/người/năm.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn huyện Định Hóa hiện có 23 làng nghề, 17 tổ hợp tác và 37 HTX (94% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp). Chỉ tính riêng các HTX đã tạo việc làm cho khoảng 1.000 thành viên, lao động tại vùng nông thôn. Tham gia Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, các thành phần KTTT còn tích cực đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần cùng địa phương hoàn thiện các tiêu chí NTM.
Đến nay, huyện Định Hóa có 11/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã đạt 15,8 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 11 tiêu chí; mức thu nhập bình quân của toàn huyện tăng qua các năm, hiện đạt 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,87% theo chuẩn mới.
Tuy nhiên, qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, số HTX trên địa bàn huyện Định Hóa hoạt động hiệu quả, có liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi hiện chiếm tỷ lệ rất ít, phần lớn tập trung ở 11 xã đã về đích NTM. Những xã còn lại (gồm Định Biên, Bình Yên, Phú Tiến, Điềm Mặc, Tân Dương, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Bình Thành, Quy Kỳ, Linh Thông, Bảo Linh) dù mỗi xã đều có ít nhất 1 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng do mới thành lập nên nội lực còn yếu, trình độ quản trị, sản xuất kinh doanh hạn chế.
Để KTTT tiếp tục có bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM ở địa phương, theo ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Định Hóa: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của KTTT trong phát triển kinh tế và thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại địa phương; khuyến khích các HTX chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, trong điều kiện xuất phát điểm của các HTX còn thấp, nguồn nội lực của huyện có hạn, chưa đủ để hỗ trợ cho các HTX, UBND huyện đã đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ HTX phát triển, nhất là các HTX tại những xã chưa đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao. Qua đó góp phần đưa Định Hóa đạt huyện NTM theo đúng lộ trình.