Công nghệ hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững

09:26, 02/07/2022

Tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo thành năng lượng phục vụ sản xuất chính là mục tiêu chính của Dự án BEST (Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam). Dự án này đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) - đơn vị phối hợp triển khai Dự án BEST, cho biết: Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sử dụng than và củi để đốt trực tiếp trong khâu chế biến, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sản xuất, vừa tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một lượng lớn phế phụ phẩm nông - lâm nghiệp đang bị coi như chất thải, bị vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, Dự án BEST do Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng chúng tôi được triển khai nhằm thúc đẩy công nghệ khí hóa sinh khối ở quy mô nhỏ, phù hợp với khả năng tài chính và công nghệ của các doanh nghiệp, hộ sản xuất.

Dự án được triển khai trong giai đoạn 2020-2024 tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái. Riêng tại Thái Nguyên, Dự án đã và đang xây dựng 8 mô hình ứng dụng tại các cơ sở sản xuất, chế biến chè, 3 cơ sở cơ khí và 1 cơ sở chế biến sinh khối tại các huyện Định Hóa, Đại Từ và Đồng Hỷ. 

Là cơ sở cơ khí đầu tiên và duy nhất của huyện Đại Từ được chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị bếp đun khí hóa sinh khối (VCBG) từ Dự án BEST, anh Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Gasio Hồng Thắng (tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn), chia sẻ: Thông qua Dự án, chúng tôi hiểu được vai trò, ý nghĩa của VCBG trong bảo vệ môi trường, biến rác thải thành năng lượng bền vững. Do vậy, sau khi được tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, Công ty đã huy động công nhân nỗ lực đẩy mạnh khâu sản xuất, chế tạo, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cải tiến công năng thiết bị. Đến nay, Công ty đã sản xuất ra gần 100 thiết bị bếp VCBG đảm bảo chất lượng cung cấp đến tay người tiêu dùng. 

Là một trong những cơ sở chế biến chè sử dụng bếp đun VCBG, anh Trần Đình Quý, Giám đốc Hợp tác chè Trần Nam, xã Tân Linh (Đại Từ), nói: Trước đây, cơ sở của tôi thường sử dụng gas, điện để sao chè. Từ khi được tham gia Dự án và sử dụng bếp VCBG, tôi thấy tiết kiệm 35% chi phí so với dùng gas, sản phẩm chè chế biến không bị ám khói, ám bụi, cùng với đó là tạo môi trường làm việc an toàn cho người sản xuất… Hiện nay, ngoài dùng điện thì sử dụng VCBG chiếm đến 80% trong khâu chế biến chè của HTX. 

Từ những kết quả trên cho thấy những lợi ích ban đầu mà Dự án BEST đem lại không chỉ đáp ứng nhu cầu của các hộ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn mà còn góp phần giảm ô nhiễm nông thôn. Theo đánh giá sơ bộ của ngành chức năng, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 1,4 triệu tấn sinh khối/năm. Thông qua Dự án, những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mùn cưa, thân vỏ, lá cây… thường được người dân coi là rác thì nay sẽ được tận dụng, chuyển hóa thành tài nguyên, nguồn năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Dự án BEST sẽ tiếp tục triển khai tại huyện Phú Lương với 2 cơ sở chế biến, 1 cơ sở cơ khí và 1 cơ sở chế biến sinh khối.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa - Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, thông tin: Chúng tôi kỳ vọng nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong việc áp dụng công nghệ cũng như sự ủng hộ của ngành chức năng, chính quyền địa phương về chính sách để thúc đẩy nhân rộng cách làm. Qua đó, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, tạo thêm việc làm xanh, sản xuất sạch, giảm rác thải và phát triển bền vững. Kinh nghiệm triển khai Dự án tại tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ được chia sẻ với các địa phương khác có cùng mối quan tâm để tiếp tục nhân rộng giải pháp năng lượng bền vững này.