Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa dời quê về phố tìm vận may, chị Nguyễn Thị Điệp, thôn Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa) vẫn quyết tâm bám trụ với đồng đất quê nhà. Với quyết tâm và nỗ lực của mình, từ mô hình trồng rau an toàn và chăn nuôi gà, vịt, gia đình chị thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Đưa chúng tôi đi thăm khu trại chăn nuôi gia cầm của gia đình, chị Điệp khiêm tốn: Năm 2021, tôi xuất bán được hơn 30 tấn gà, vịt thương phẩm, trong đó, vịt 20 tấn, gà hơn 10 tấn, tổng thu được hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền thu nhập từ bán rau, củ, quả. Hết 6 tháng đầu năm 2022, tôi đã xuất bán 12 tấn gà, vịt thương phẩm, thu được 620 triệu đồng và khoảng hơn 80 triệu đồng tiền bán rau xanh các loại.
"Vốn liếng khởi nghiệp của 2 vợ chồng là đôi bàn tay, sự cần cù và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất." - Anh Hứa Văn Tú, chồng chị Điệp tiếp lời. Nói chuyện làm ăn, 2 vợ chồng nhà Điệp - Tú cứ khơi khơi đầy ngẫu hứng. Họ kết hôn năm 2010. Sau ngày cưới 3 năm, bố mẹ đẻ anh Tú cho mượn gần 5.000m2 đất, trong đó có 720m2 đất ruộng cấy lúa 2 vụ, còn lại là đất trồng màu. Kinh tế gia đình khi ấy chẳng mấy khấm khá. Thấy chồng lo lắng, chị Điệp động viên: Có cuộc sống gia đình hòa thuận thì vườn ruộng sinh sôi, đẻ ra tiền, chẳng lo phải sống nghèo.
Mùa vụ trôi đi, nhẩm lại, mỗi năm gia đình anh chị thu hoạch được 8 tạ thóc và khoảng 100 triệu đồng từ bán rau màu các loại. Có tiền tích lũy, năm 2016, vợ chồng chị Điệp mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống giàn tưới tự hành, gồm tưới nhỏ giọt, tưới phun từ trên xuống và tưới phun từ dưới lên, tổng chi phí đầu tư hơn 200 triệu đồng.
Có nhà lưới và giàn tưới hiện đại, chị Điệp chủ yếu trồng cà chua, dưa chuột bao tử và các loại rau theo vụ. Vì là rau an toàn, nên nhà chị trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hơn nữa, rau được trồng trong nhà lưới nên không phải lo chuyện thời tiết. Nhất là lúc thời tiết khắc nghiệt như nắng gay gắt, hoặc trời rét đậm rét hại, nhiều ruộng rau của bà con trong vùng bị hỏng, thì vườn rau của nhà anh chị vẫn đủ nước, đủ phân vẫn lên bời bời, đẹp mắt, giá bán cao.
Làm nông nghiệp, kinh nghiệm là “nhất nước, nhì phân”. Nước tưới đã chủ động, nhưng còn phân bón?... Suy qua tính lại, vợ chồng chị Điệp quyết định đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, vừa để vừa tăng thu nhập lại chủ động được nguồn phân bón tại chỗ. Chị Điệp kể: Năm 2017, tôi đầu tư nuôi thử 500 con gà, khi sắp được xuất bán thì gà trong chuồng đứng ngoẹo cổ, chẳng chịu ăn, theo nhau lăn ra chết. Đó là bài học đắt giá tôi phải trả vì bản thân thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Không nản, tôi lên mạng tìm kiếm một số bài viết về kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt, đồng thời tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi do cán bộ thú y huyện và Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Ngay lứa sau, 500 con gà lai chọi đạt sản lượng 1,5 tấn, thu về 52 triệu đồng.
Phấn khởi vì đã làm chủ được chăn nuôi, vợ chồng chị tự tin đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô đàn lên 4.000 con gà, vịt. Gà, vịt được chia thành từng khu, bảo đảm thoáng vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông, chuồng trại sạch, chị Điệp còn tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Anh Tú nói: Tôi nuôi 2 loại gà, lai chọi và lai ta. Còn vịt, tôi chọn nuôi giống vịt bơ trắng, khỏe, phàm ăn, mau lớn. Gà nuôi 90 ngày/lứa, còn vịt nuôi 45 ngày/lứa. Sau khi gà, vịt xuất bán, phân được chuyển ra đồng, ủ hoai mục để bón đất trồng rau xanh. Tiếp đến là rắc vôi khử khuẩn, rải lượt chấu mới rồi cho gia cầm nhập chuồng.
Thời công nghệ 4.0, toàn bộ quá trình chăn nuôi và quá trình trồng, chăm sóc rau, củ, quả của gia đình đều được vợ chồng anh chị chia sẻ lên mạng xã hội. Những người quan tâm chủ yếu là bạn hàng quen thuộc với gia đình. Một khách hàng cho biết: Do được “giám sát” toàn bộ quá trình sản xuất qua mạng, nên chúng tôi tin tưởng, đặt mua thường xuyên các sản phẩm của gia đình chị Điệp, anh Tú với số lượng lớn.
Bà Đỗ Thị Làn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Cường, nhận xét: Nhà chị Điệp là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều bà con trong vùng đến tham quan, học tập.