Các xã miền núi nỗ lực về đích nông thôn mới

Vũ Công 17:35, 08/11/2022

Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có 110 xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN). Tính đến hết năm 2021 đã có  83 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, việc xây dựng NTM góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương. 

Các tuyến đường trên địa bàn xã được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ở xã đặc biệt khó khăn Phương Giao (Võ Nhai) phát triển.
Các tuyến đường trên địa bàn xã được hoàn thành góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ở xã đặc biệt khó khăn Phương Giao (Võ Nhai) phát triển.

Đầu năm 2022, xã Phủ Lý (Phú Lương) vẫn còn 5/19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM chưa đạt là: Quy hoạch; cơ sở vật chất văn hóa; thông tin và truyền thông; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu của cấp uỷ, chính quyền và người dân nơi đây, đến nay, các tiêu chí này đã cơ bản được hoàn thành. 

Xã đã tập trung ưu tiên nguồn vốn xây dựng mới 4 phòng chức năng của Nhà văn hóa xã và 1 nhà văn hóa xóm; gần 50% số dân trong xã có sổ khám, chữa bệnh điện tử. Về quy hoạch, xã đã hoàn thiện hồ sơ để trình cấp trên phê duyệt. Còn về môi trường, xã đã và đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện sớm cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân trong năm nay...

Tương tự xã Phủ Lý, đầu năm nay, xã Na Mao (Đại Từ) còn 6/19 tiêu chí chưa đạt. Để sớm hoàn thiện các tiêu chí, xã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, phương án, kế hoạch phát triển sản xuất trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên rà soát, báo cáo tình hình thực hiện các tiêu chí, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của các ngành chức năng... 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Đến nay, xã đã hoàn thành việc khảo sát, thiết kế vị trí đặt trạm truyền thanh; chi trả tiền đền bù cho người dân để xây dựng công trình sân thể thao xã; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP... Xã phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cơ bản hoàn thành 6 tiêu chí chưa đạt.


Người dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi trâu, bò, nâng cao thu nhập.
Người dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi trâu, bò, nâng cao thu nhập.

Cũng như các xã khu vực I, II, các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) cũng đã chủ động triển khai thực hiện các tiêu chí. Đơn cử như tại xã Phương Giao (Võ Nhai), từ đầu năm đến nay, với sự hỗ trợ gần 700 tấn xi măng và đá, sỏi của Nhà nước, người dân trong xã đã đối ứng trên 1 tỷ đồng, hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp ngày công lao động để đổ bê tông 0,6km đường liên xóm và 4,2km đường ngõ xóm. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Giao chia sẻ: Tiêu chí giao thông được hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển. Đây cũng là tiền đề để xã thực hiện 3 tiêu còn lại là thu nhập, hộ nghèo và nhà ở dân cư.

Ông Lê Kim Phúc, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các xã vùng DTTS và MN đã nỗ lực, chủ động trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Người dân ở những vùng này không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên đã phát huy hiệu quả các nguồn lực tại chỗ. 

Thời gian tới, cùng với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các xã trên còn được tiếp sức từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Qua đó góp phần giúp các xã khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, bảo tồn văn hóa...