Nhiều người trong vùng gọi cựu chiến binh Trần Công Sơn, ở xóm Quang Trung, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) là "ông chè". Bởi ông đã dồn toàn bộ vốn liếng để xây dựng xưởng chế biến chè, với mong muốn nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm chè địa phương. Và chính ông Sơn cũng thấy vui với biệt danh này.
Ông Trần Công Sơn (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm chè của gia đình với bạn bè cựu chiến binh. |
Đưa chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất, chế biến chè, ông Sơn kể lại: Sau thời gian phục vụ trong quân đội, năm 1988, tôi trở về địa phương. Cuộc sống của cả gia đình lúc đó trông vào việc “bới đất, lật cỏ” trên mảnh đất rộng hơn 30.000m2 do ông nội để lại. Nhờ chịu khó tần tảo với con lợn, con gà, mảnh ruộng, đám rừng nên cuộc sống của chúng tôi cũng tương đối ổn định. Khi có điều kiện hơn, tôi quyết tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất chè với ý tưởng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng, cũng như tạo dựng thương hiệu chè Sơn Cẩm.
Dàn máy chế biến đồng bộ, máy đóng gói, máy hút chân không và hệ thống kho bảo quản... “ngốn” của ông Sơn hơn 1,3 tỷ đồng. Ông trần tình: 70% số vốn do tôi bỏ ra, 30% còn lại của các thành viên tham gia Hợp tác xã (HTX) chè Thái Sơn đóng góp. Đây cũng là HTX do ông Sơn sáng lập năm 2022, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. HTX có 7 thành viên, với tổng diện tích chè hơn 10ha. Tuy nhiên, mục đích của HTX là mở rộng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của bà con trong vùng, bao gồm chè búp tươi, chè búp khô để chế biến thành chè đặc sản.
Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm chè Sơn Cẩm, ông Sơn chủ động liên kết với các hộ trồng chè, vận động bà con chăm sóc cây chè theo quy trình vietGAP. Đồng thời, ông đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ dân theo giá thị trường từng ngày. Ông chia sẻ: Một sản phẩm chè đạt chất lượng cao không chỉ thực hiện sao sấy ngay trong ngày, mà đòi hỏi từ quy trình chăm sóc, thu hái đúng thời điểm. Rồi quá trình sao sấy cũng đòi hỏi người làm biết cảm nhận tốt về nhiệt lượng.
Với các dòng sản phẩm chè búp móc câu và chè búp đặc sản, cựu chiến binh Trần Công Sơn đã "thắng ngay trên sân nhà". Ông cùng các thành viên HTX linh hoạt trong thực hiện quy trình sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra nhiều loại chè với các mức giá khác nhau, đáp ứng được nhu cầu, sở thích, cũng như khả năng kinh tế của đông đảo người tiêu dùng. Ông cho biết: Chè của HTX có giá bán từ 200 đến 600 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, nhiều hộ trong vùng chỉ bán được với mức giá bình quân 120 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, chúng tôi còn ấp ủ dự định chế biến ra sản phẩm chè đạt giá bán trên 2 triệu đồng/kg.
Tin cậy ở ông, nhiều bà con ở vùng chè Sơn Cẩm có ý thức hợp tác tốt. Hiện, một số hộ tham gia liên kết sản xuất với gia đình ông đã phá bỏ diện tích chè già cỗi để trồng thay thế giống chè mới, cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đất trồng chè cũng được cải tạo mặt bằng phù hợp, các vạt đất quá dốc được hạ xuống, diện tích đất trũng được tôn cao.
Cải tạo được mặt bằng, đồng thời trước lúc đặt hom chè, bà con sử dụng phân chuồng, phân xanh tạo cho đất tơi xốp. Hầu hết các hộ đã lắp đặt hệ thống giàn tưới, thuận lợi cho việc chăm sóc cây chè. Nhờ đó, bà con có thêm sản phẩm chè vụ Đông phục vụ người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.
“Nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa” cho sản phẩm chè Sơn Cẩm thực tế không phải là chuyện đơn giản. Bởi ở tỉnh Thái Nguyên có 4 vùng chè đặc sản được “đóng đinh” vào suy nghĩ người tiêu dùng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương) và Minh Lập (Đồng Hỷ). Nhưng cựu chiến binh Trần Công Sơn vẫn đang quyết tâm thực hiện giấc mơ nâng cao giá trị cây chè trên chính mảnh đất quê hương mình. Và trong tương lai, ông dự tính làm ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, có thể xuất bán vào thị trường châu Âu hay nhiều nước trên thế giới.
Ngổi trản trà ngay tại xưởng chế biến chè, ông trăn trở: Chất lượng tạo nên thương hiệu mạnh. Nhận thức rõ điều này nên tôi vận động bà con tự giác chấp hành nghiêm các quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, chế biến để làm ra sản phẩm chè an toàn… Giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện: Năm 2022, tôi xuất bán ra thị trường hơn 5 tấn chè đặc sản, đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng.
Nhắc đến cựu chiến binh Trần Công Sơn, ông Thi Văn Hai, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Sơn Cẩm, tự hào: Cựu chiến binh chúng tôi luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó có phong trào làm kinh tế giỏi. Cựu chiến binh Trần Công Sơn là một tấm gương như vậy. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Sơn còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật về sản xuất, chế biến chè cho bà con. Đồng thời, đứng ra làm đại diện bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng chè, khắc phục được tình trạng tư thương ép giá và giúp nâng tầm thương hiệu chè Sơn Cẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin