Đào Xá vượt khó vươn lên

Vi Vân 09:14, 07/02/2023

Nằm cách trung tâm huyện Phú Bình khoảng 10km, đường giao thông bị chia cắt bởi 2 dòng sông gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, xã Đào Xá đã từng bước vượt khó vươn lên. Diện mạo vùng quê này dần "thay da đổi thịt", đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao.

Gia đình ông Dương Đình Kế, ở xóm Phú Minh có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi bò.
Gia đình ông Dương Đình Kế, ở xóm Phú Minh, xã Đào Xá (Phú Bình) có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi bò.

Ông Tô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Đào Xá, cho biết: Đào Xá là xã thuộc vùng “lõm” của huyện, nằm giữa sông Cầu và sông Đào. Do không có cầu để qua sông Cầu nên việc đi lại của người dân suốt hàng chục năm qua bị ảnh hưởng không nhỏ. Bà con và công nhân đi làm tại các khu công nghiệp, sang TP. Thái Nguyên phải đi một đoạn đường vòng dài trên 20km. Chính vì lẽ đó, việc phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên "cái khó ló cái khôn", tận dụng lợi thế có 2 con sông chảy qua địa bàn, xã Đào Xá đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể và 7/7 xóm tuyên truyền, vận động bà con tích cực tận dụng diện tích soi bãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho gia đình; phối hợp với một số ngân hàng như: Nông nghiệp và PTNT, Chính sách Xã hội nhằm giúp đỡ, hỗ trợ bà con về nguồn vốn vay để phát triển, mở rộng sản xuất; tuyên truyền tới các hộ dân có thành viên trong độ tuổi lao động tham gia làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài địa bàn huyện nhằm cải thiện thu nhập…

Theo đó, với diện tích trên 700ha đất nông nghiệp (trồng lúa và cây màu), những năm gần đây, xã Đào Xá đã tích cực tuyên truyền bà con chuyển đổi sang trồng các giống lúa cho năng suất, hiệu quả cao, như: TH3-7; TH5-7…

Bà Nguyễn Thị Bình, ở xóm Xuân Đào, cho hay: Gia đình tôi có 6 sào ruộng. Từ năm 2019 trở về trước, vụ nào nhà tôi cũng cấy giống lúa Khang Dân, cho năng suất khoảng 1,7-1,8 tạ/sào. Khoảng 3 năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền, tôi đã đưa giống lúa TH3-7 vào gieo trồng. Kết quả, năng suất cao hơn giống lúa cũ khoảng 0,5 tạ/sào, chất lượng gạo tốt hơn, cơm ăn có vị đậm, thơm ngon.

Bên cạnh việc đưa các giống lúa mới vào thâm canh, người dân Đào Xá còn chủ động đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ các khâu làm đất, gặt lúa như máy cày, máy gặt đập liên hợp… Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có trên 40 máy cày, bừa các loại, qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Không chỉ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, người dân Đào Xá còn tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nếu như trước đây, số lượng đàn trâu, bò chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu chăn nuôi thì đến na, toàn xã đã có gần 2.800 con trâu, bò (tăng gấp 3 lần so với năm 2018).

Ông Đào Văn Vững, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Xá, cho hay: Để bà con có thêm điều kiện nhân rộng đàn trâu, bò, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ các hộ chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; giúp các hộ dân tiếp cận, vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương, với tổng số tiền 600 triệu đồng, tương đương 60 triệu đồng/hộ, để phát triển chăn nuôi…

Nhằm giải quyết nhu cầu thức ăn tại chỗ trong chăn nuôi trâu, bò thịt, xã Đào Xá cũng dành diện tích 20ha tại các xóm để trồng ngô sinh khối (loại ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp nhằm đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng...) theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm có lợi thế của huyện giai đoạn 2021-2025.

Nhờ những giải pháp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đời sống và thu nhập của người dân Đào Xá không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 51 triệu đồng/người/năm thì năm 2022 đã tăng lên 56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,92% (giảm 3,72% so với năm 2021)…

"Tiếp tục duy trì định hướng phát triển ổn định, trong thời gian tới, xã Đào Xá sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình tiếp tục đưa các giống lúa mới, năng suất cao vào gieo trồng; cứng hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chọn tạo giống bò cho hiệu quả kinh tế cao…" - Chủ tịch UBND xã Tô Thanh Bình cho biết thêm.