Mùa Xuân - mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối vươn chồi non lộc biếc, căng tràn nhựa sống. Dưới làn mưa xuân lất phất bay, những mầm xanh mới đang được người dân Thái Nguyên vun trồng, chăm sóc trên các nương đồi, vạt núi. Và những cánh rừng xanh ngút ngàn không chỉ giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, mà còn góp phần tạo nên “lá phổi xanh” để cân bằng môi trường sinh thái.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh tuần tra rừng tại xã Sảng Mộc (Võ Nhai). |
Chúng tôi đến các xã: Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành… của huyện Phú Lương vào một ngày đầu năm khi hoa đào, hoa mận vẫn còn khoe sắc thắm. Ghé thăm mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình ông Hà Quang Cảnh, ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt, chúng tôi được nghe vợ chồng ông kể về những ngày tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trồng keo.
Ông Cảnh cho biết: Được giao đất từ những năm 2000, gia đình tôi bắt đầu khai hoang trồng keo phủ xanh đồi núi trọc. Thời gian đầu, chúng tôi tận dụng tán rừng thưa để chăn nuôi trâu, ngựa, nuôi ong lấy mật, nuôi lợn và đào ao thả cá theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài".
Sau một chu kỳ từ 5-7 năm, mỗi héc ta rừng cũng cho thu hoạch trung bình 80 triệu đồng. Đến nay, diện tích rừng của nhà ông Cảnh có hơn 30ha. Từ trồng rừng kết hợp chăn nuôi, gia đình ông Cảnh cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau nhiều năm gắn bó với rừng, gia đình ông đã vươn lên khá giả.
Những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng như gia đình ông Cảnh không còn hiếm ở các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 165.670ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 62.448ha và rừng trồng 103.222ha.
Nhận thức được hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích về môi trường do rừng mang lại, thời gian qua, khai thác đến đâu, người dân chuẩn bị trồng lại ngay đến đó, không có tình trạng bỏ đất trống, đồi núi trọc.
Tận dụng tán rừng, nhiều địa phương còn khuyến khích bà con chăn nuôi gà thả vườn, nuôi dê, nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật… cho hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo bà con lựa chọn giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương cùng với các chính sách hỗ trợ cây giống. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đầy đủ, kịp thời cũng đã giúp người dân chủ động hơn trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng.
Cùng với đó, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng, ngành Nông nghiệp khuyến khích bà con sử dụng các các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.
Tính riêng năm 2022, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.163ha, vượt 12,5% kế hoạch; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được 1.331,9ha/1.400ha, đạt 95,13% kế hoạch toàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 649 tỷ đồng, tăng 41,3 tỷ đồng so với năm 2021.
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 255.000m3, tăng 6,27% so với năm 2021. Kinh tế đồi rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh tra cứu bản đồ rừng đặc dụng tại thực địa. |
Với sự vào cuộc tích cực của lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và bà con nông dân, năm 2022, lần đầu tiên Thái Nguyên đã được Hiệp hội Quản trị rừng quốc tế cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho hơn 1.330ha rừng tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ), đạt 95,1% kế hoạch toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, tại huyện Đại Từ, đơn vị tư vấn là Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cũng đang tiến hành lập bản đồ cấp chứng chỉ rừng và điều tra thực địa, đánh giá tình hình sinh trưởng của các lô rừng đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC.
Dự kiến, quý II-2023, huyện Đại Từ sẽ có 1.500ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC tại 4 xã: Minh Tiến, Yên Lãng, Phúc Lương và Đức Lương. Các sản phẩm được gắn nhãn chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao hơn 20-30% so với các sản phẩm thông thường. Về giá trị thương hiệu, chứng chỉ FSC là “tấm vé thông hành” hỗ trợ thâm nhập vào thị trường quốc tế, nhất là các các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản…
Trong năm 2023, Thái Nguyên sẽ trồng 3.435ha rừng tập trung (giảm 265ha so với kế hoạch năm 2022); phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Để đảm bảo chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã và đang tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; về quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp.
Tổng số cây giống được sản xuất phục vụ trồng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 26 triệu cây, gồm: Keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh, lát hoa… đảm bảo đủ cung cấp cho người dân.
Hiện nay, đa phần các vùng đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được phủ xanh, rừng tự nhiên được phục hồi sinh trưởng tốt, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, góp phần hạn chế lũ lụt, xói mòn đất, điều tiết nguồn nước. Kinh tế đồi rừng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho bà con nông dân.
Đi xuyên qua những vạt rừng nối tiếp nhau trải dài xanh mướt tầm mắt, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của những người sống bằng nghề rừng, nhưng đổi lại, “rừng vàng” đã mang đến cho bà con những mùa Xuân no ấm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin