Ngày 21-4, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khuyến nông giai đoạn 1991-2023, đề ra nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã chú trọng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhằm thúc đẩy nông, lâm nghiệp phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp.
Trong đó, một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ hơn 7.604 tỷ đồng (năm 2010) lên 15.267 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên đất nông nghiệp trồng trọt tăng từ 55 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 123,2 triệu đồng/ha (năm 2022); sản lượng lương thực quy thóc năm 2022 đạt 461,8 nghìn tấn (tăng 122,1 nghìn tấn so với năm 2010 và tăng 240,4 nghìn tấn so với năm 1993)...
Mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L |
Với những kết quả đạt được trong hơn 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Thái Nguyên đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT... tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua; 5 năm liền đoạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam.
Về thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, các đại biểu dự Hội nghị nhất trí nhận định: Công tác khuyến nông hiện nay không còn nặng tính chuyển giao kỹ thuật mà phải hài hòa các yếu tố trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Điều này buộc hệ thống khuyến nông phải tập trung phát triển các mô hình mới. Trong đó đảm bảo kỹ thuật được chuyển giao phải dễ thực hiện, để bà con nông dân tự tin trong triển khai sản xuất; cùng với đó cũng phải tính tới các yếu tố thị trường…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin